Mưa lũ gây chia cắt nhiều địa phương ở Quảng Trị

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại Quảng Trị, mưa lớn đã khiến nhiều cầu tràn qua các tuyến đường liên thôn, xã trên địa bàn các huyện phía Tây tỉnh Quảng Trị ngập úng, chia cắt cục bộ. Nhiều đoạn sông suối nước dâng cao từ 0,5-2m.

Tính đến trưa 15/10, khu vực Quảng Trị có mưa to đến rất to, lượng mưa tính từ 7 giờ ngày 14/10 đến 7 giờ ngày 15/10 phổ biến đạt từ 100-250mm, có nơi cao hơn như: Mỹ Chánh 329mm, A Bung 370mm, đập thủy điện La Tó 422mm.

Hiện, lũ trên các sông Ô Lâu, Thạch Hãn đang lên mức báo động 2, trên báo động 3, các sông khác mực nước đang dao động ở mức báo động 1 đến báo động 2.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn 2 huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị bị ngập úng, sạt lở gây chia cắt.
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn 2 huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị bị ngập úng, sạt lở gây chia cắt.

Tại hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị là Hướng Hóa và Đakrông, mưa lũ đã làm chia cắt nhiều điểm ở  các tuyến đường, gây chia cắt các khu vực khu dân cư. Trong đó, tại huyện Đakrông, mưa lũ làm chia cắt trên tuyến đường Hồ Chí Minh (Km265,Km273); tuyến Quốc lộ 15D; đường 588A… với mực nước ngập từ 0,5-2,5m, gây chia cắt vào trung tâm các xã Ba Lòng, Ba Nang, A Vao. Bên cạnh đó, mực nước tại các thủy điện trên sông Đakrông đã vượt ngưỡng từ 2-6m.

Tại huyện Hướng Hóa, mưa lũ đã gây ngập lụt, chia cắt tạm thời tại các ngầm, cầu tràn với mực nước ngập khoảng gần 1m. Ở huyện vùng trũng Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị, những tuyến đường thôn, xóm của các xã Hải Phong, Hải Sơn đã ngập úng. Một số khu dân cư vùng trũng thấp, nước đã gây ngập nhà cửa.

Có nơi, mực nước qua các cầu, ngầm tràn ngập sâu trên 2m.
Có nơi, mực nước qua các cầu, ngầm tràn ngập sâu trên 2m.

Hiện nay, tại các điểm ngập sâu, bị chia cắt, các địa phương đã triển khai lực lương xung kích, công an, bộ đội tổ chức canh gác, đảm bảo an toàn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.

Trong đêm 14 và sáng 15/10, các địa phương phối hợp cùng lực lượng chức năng đã tiến hành di dời những hộ dân ở khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn. 

Trong đó, tại huyện Hải Lăng đã di dời 14 hộ/ 15 khẩu tại xã Hải Lâm; huyện Đakrông tổ chức di dời 122 hộ/ 449 khẩu ở các xã Ba Lòng, Tà Long, A Ngo và Húc Nghì; tại huyện Hướng Hóa đã tổ chức di dời 25 hộ/ 103 khẩu tại xã Thuận.

Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xã A Bung, huyện Đakrông túc trực, cắm biển bản nghiêm cấm người và phương tiện qua lại một điểm ngập lụt.
Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xã A Bung, huyện Đakrông túc trực, cắm biển bản nghiêm cấm người và phương tiện qua lại một điểm ngập lụt.

Đồng thời, căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến của mưa lớn, tỉnh Quảng Trị đã sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân theo kế hoạch.  

Trong đó, số lượng người dự  kiến cần sơ tán tránh lũ, ngập lụt trên toàn tỉnh là hơn 14.300 hộ với trên 53.000 nhân khẩu; sơ tán, di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét là hơn 2.200hộ/ trên 8.900 nhân khẩu và sơ tán, di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất với hơn 1.700 hộ / gần 6.850 nhân khẩu.