Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa, lũ tại Sơn La, Yên Bái: Nỗi bàng hoàng chưa qua

Dương Khánh Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, nỗi bàng hoàng vẫn chưa nguôi trên gương mặt người dân vùng lũ quét Mường La (Sơn La) và Mù Cang Chải (Yên Bái).

Những đoàn cứu trợ, các tổ chức từ thiện vẫn tiếp tục đến với bà con gặp thiên tai, chia sẻ những mất mát, khó khăn của họ. Song, phía sau họ, vẫn còn bề bộn nỗi lo về cuộc sống sau này.
Nỗi đau sau cơn lũ
Để vào được xã Nặm Păm, chúng tôi phải vượt qua chặng đường chừng 6 cây số từ trung tâm huyện Mường La (Sơn La). Đây cũng là Tỉnh lộ 109 từ Mường La đi vào Nặm Păm, Ngọc Chiến đi sang thủy điện Huội Quảng và huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Điều đáng nói Tỉnh lộ 109 chạy song song với suối Nặm Păm đã bị cơn lũ đêm mùng 2, rạng sáng 3/8 cày nát. Bà con vẫn đang nhặt nhạnh trong đống đổ nát những khúc gỗ, những kèo, cột bị nước đánh gẫy, nằm lẫn vào đá, bùn và cát cùng với gỗ mục. Con suối vẫn chảy, đục ngầu do trận mưa chiều 6/8, khiến nhiều người dân không khỏi rùng mình. Những ánh mắt trẻ con sợ hãi vẫn đứng nép vào gốc cây bên bìa rừng, chia nhau gói mì tôm, hộp cơm, gói bánh mà các đoàn từ thiện trao tặng.

Lực lượng chức năng làm cầu tạm tiếp cận người dân bị cô lập xã Nặm Păm, huyện Mường La, Sơn La.           

Anh Lò Văn Điều (bản Hua Nặm), bần thần ngồi trước vị trí được xác định là nền nhà của mình, chỉ ra xung quanh: “Nơi đây là xóm bản, nhà và ruộng nương đang trồng hoa màu, lúa. Nay thì tất cả chỉ còn toàn đá. Cả cung đường hơn chục cây số cũng toàn đá và đổ nát. Con gái tôi không chạy kịp, chết rồi. Nhà cửa không còn. Giờ di chuyển đi, chẳng biết sẽ sống ra sao”.
Nhắc đến con, anh Điều lại khóc, nhưng đôi mắt khô khẳn và thâm quầng vì mấy đêm thức trắng của anh đã chẳng còn nước mắt. Phía bên kia, hàng xóm của anh đang nhận hỗ trợ quần áo. Chị Lò Thị Sang, vợ anh Điều và chị Lò Thị Mươi, hàng xóm của hai vợ chồng mệt mỏi ngồi xuống một tảng đá lớn, bộc bạch: “Chưa bao giờ thấy nước đổ lớn như thế”.
Cũng bần thần, mệt mỏi, ông Quàng Văn Khan - Phó Bí thư Chi bộ bản Hua Nặm nhớ lại: “Thấy nước về nhiều, chúng tôi đã hô hào dân bản tìm cách tránh lũ. Người dân chỉ kịp đưa một số xe máy và trâu bò lên trên núi cao, còn nhà của gần 40 hộ dân đã bị quét hết”.
Từ trung tâm xã Nặm Păm để đến được bản Nà Ten, phải vượt qua 4 cây số “cung đường đá” lởm chởm do hậu quả của lũ để lại. Đây cũng là bản mà lực lượng chức năng, đơn vị cứu trợ khó tiếp cận do địa hình chia cắt. Tìm hiểu tại bản Nà Ten có 45 hộ dân với 45 ngôi nhà thì tất cả bị xóa sổ hoàn toàn. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Từ trước mưa lũ, lực lượng chức năng đã cảnh báo người dân. Ngay sau trận lũ quét, các đơn vị chức năng của huyện, tỉnh đã tích cực phối hợp hỗ trợ ứng cứu, tìm kiếm người bị nạn, giúp đỡ các hộ dân mất nhà, di chuyển đến nơi ở mới”. Theo thống kê mới nhất, lũ quét tại huyện Mường La đã làm 12 người chết, 5 người mất tích, 12 người bị thương, 375 ngôi nhà bị thiệt hại. Ước thiệt hại tại huyện Mường La đã lên tới hơn 660 tỷ đồng.
Chung tay vì bà con vùng lũ quét
Tính đến ngày 5/8 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã ghi nhận thiệt hại hơn 700 tỷ đồng. Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, đến nay bà con gặp thiên tai huyện Mù Cang Chải đã được hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm, đảm bảo không ai bị đói, có chỗ ở ổn định.
Trước mắt, tỉnh Yên Bái hỗ trợ mỗi gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng, gia đình có nhà bị cuốn trôi 25 triệu đồng, mỗi nhà bị sạt lở 10 triệu đồng và hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi hoàn toàn 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 6 tháng.
Đến thời điểm này, mọi công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả vẫn đang được tiến hành rất khẩn trương. Tại các xã bị thiệt hại nặng nề như Lao Chải, Kim Nọi, thị trấn Mù Cang Chải… những hộ dân bị nước lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn đã được bố trí nơi ở tạm ổn định, đảm bảo lương thực, cung cấp dịch vụ y tế.

Tuổi trẻ Yên Bái hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả mưa, lũ. Ảnh: Khánh Thảo

Ghi nhận tại hiện trường Mường La, ngay từ ngày 4/8, nhiều người dân có nhà bị lũ cuốn trôi tại bản Nà Lo thuộc thị trấn Ít Ong đã được bố trí phần đất ở tạm cách đó chừng 1km để dựng lại nhà. Một số hộ dân thuộc diện có nguy cơ sụt lún cũng được vận động tháo dỡ, di chuyển trong không khí khẩn trương.
Chiều ngày 5/8 bản Huổi Yếng (xã Nặm Păm) có 23 hộ dân bị cô lập do lũ cuốn trôi cầu thép, đã đề nghị được di chuyển. Hiện, UBND huyện Mường La đã xin ý kiến tỉnh Sơn La bố trí đất tái định cư cho người dân.
Về công tác thiện nguyện, từ  sáng 5/8 hàng trăm lượt đoàn, nhóm, tổ chức thiện nguyên đã đi bộ, mang hàng hóa, quần áo, gạo, nước, thuốc men đến các bản làng, chia sẻ với bà con xã Nặm Păm, hiện đang ở nhờ nhà người thân ở các xóm bản không bị thiệt hại, ở Nhà văn hóa bản… Chị Nguyễn Thị Hằng - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Chiến (Mường La) đã tổ chức hơn 40 thanh niên tình nguyện, nấu hàng trăm suất cơm, mang vào tận nơi chia sẻ với bà con và bộ đội đang làm nhiệm vụ giúp người dân. “Thiên tai là điều chẳng ai mong muốn. Và việc chia sẻ, giúp đỡ bà con gặp nạn là điều nên làm. Chúng tôi rất vui khi những em bé, cụ già và người dân đón nhận tình cảm của mình” - chị Hằng nói.
Tại Mường La, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La cũng đã phát động kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt đến các đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra rất nhiều nhóm từ thiện trong và ngoài tỉnh cũng đang kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ Nhân dân vùng lũ quét.
Khẩn trương đánh giá tác động môi trường
Theo tìm hiểu, hai huyện Mù Cang Chải và Mường La ở sát nhau. Cả hai đang bị tác động mạnh mẽ bởi việc xây dựng thủy điện, chặt phá rừng. Tại Mù Cang Chải có các Nhà máy thủy điện Mường Kim, Hồ Bốn, Khao Mang Thượng, Khao Mang… Tại Mường La, có tới hơn 20 dự án nhà máy thủy điện. Việc làm đường phục vụ dự án, chặt phá rừng đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết cấu đất, núi và là một nguyên nhân lớn dẫn đến lũ quét. Một nguyên nhân khác do khách quan, chính là nhiều trận mưa kéo dài trước đó dẫn đến nền đất, núi “no nước”. Trận mưa lớn kéo dài đêm mùng 2 rạng sáng 3/8 đã làm nước lũ cuốn theo đất đá gây ra những thiệt hại lớn cho hai huyện. Theo nhiều chuyên gia, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các cơ quan chức năng có các biện pháp chủ động ứng phó, nhất là tại những vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, cần bố trí các thiết bị quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai; áp dụng biện pháp mạnh, kiên quyết di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; chấm dứt tình trạng người dân khoét núi làm nhà sát chân núi, bên bờ sông, nơi có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, mau chóng có đánh giá tác động môi trường chung về vấn đề khai thác thủy điện để có chính sách hợp lý, ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan và tác động từ chính bàn tay con người.
Hà Nội hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho các tỉnh thiệt hại do thiên tai
Chiều 7/8, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã  ký thông báo về việc TP Hà Nội hỗ trợ gần 5 tỷ đồng để Nhân dân các tỉnh  phía Bắc khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra.
Theo đó, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ TP Hà Nội đã quyết định hỗ trợ số tiền gần 5 tỷ đồng trích từ Quỹ Cứu trợ TP Hà Nội hỗ trợ Nhân dân các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại thiên tai. Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Sơn La và Yên Bái mỗi tỉnh 1 tỷ đồng; hỗ trợ  5 tỉnh: Lai Châu, Bắc Cạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, mỗi tỉnh 500 triệu đồng. Ngoài ra, TP hỗ trợ gia đình các tỉnh (nêu trên) có người  bị thương vong từ 5 - 10 triệu đồng. (Anh Quý)