Hiểu rõ vụ mùa cũng như đặc tính từng loại quả giúp người tiêu dùng tránh ăn phải những quả có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật. 5 loại hoa quả nhập khẩu nhiều nhất Rau, củ, quả hiện không phải là mặt hàng cấp hạn ngạch nhập khẩu, mà chủ yếu là do sự điều tiết của thị trường. Vì vậy, hiện có 5 nhóm hàng nông sản Trung Quốc vào Việt Nam lớn nhất là táo, cam quýt, lê, dưa vàng và nho. Trước đó, táo Trung Quốc bị phát hiện bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại, chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen). Nhiều nông dân Trung Quốc trồng táo đã bọc táo từ lúc còn non đến lúc chín bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu này. Lê Trung Quốc cũng bị nghi nhiễm chất gây vô sinh. Gần đây nhất, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa phát hiện thêm 4 mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép. Cam sành miền Nam khi ăn khá đảm bảo. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Từ ngày 10/8 đến 10/9, qua lấy mẫu giám sát tại các cửa khẩu, các đơn vị chuyên môn trực thuộc cục đã phát hiện 1 mẫu mận tươi nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn chứa dư lượng carbendazim. 2 mẫu nho tươi nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai có dư lượng difenoconazole và một quả lựu chứa tubeconazole và carbendazim.
Mức dư lượng phát hiện được đều vượt mức dư lượng tối đa cho phép theo quy định của Việt Nam từ 1,5 - 5 lần. Các chất trên có tác dụng trừ nấm, trừ bệnh cho quả. Tuy nhiên, vượt quá hàm lượng cho phép sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Trên thị trường hiện nay, hoa quả Trung Quốc tràn ngập. Bằng mắt thường, các bà nội trợ rất khó phân biệt loại quả đó xuất phát từ đâu và có bảo quản bằng thuốc chống nấm hay không. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc An, một chuyên gia nông nghiệp lâu năm cho biết: Với cây ăn quả, trong quá trình trồng nông dân thường phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, để bảo quản được lâu hơn và vận chuyển đi xa người ta còn xử lý sau thu hoạch, bằng các loại thuốc chống nấm gây hư thối. Một số loại quả như cam quýt, táo tây, nho... sau khi được xử lý thuốc còn được nhúng qua Paraphin lỏng để tránh mất nước trong quả (Paraphin là một loại sáp, không phải là thuốc hóa học - PV). Việc xử lý có thể do nông dân làm sau khi thu hoạch quả nếu họ biết kỹ thuật và có phương tiện, song nhiều khi là do những người buôn quả thực hiện tại nơi sản xuất, hoặc trong quá trình lưu thông.
Cam sành miền Nam khi ăn khá đảm bảo.
Các loại quả sản xuất ở nước ta do khoảng cách tiêu thụ không xa lắm, nên thường ít phải xử lý sau thu hoạch như trên và cũng để bớt làm tăng thêm chi phí. Mùa nào nên mua quả gì? Một khi không tránh được việc phải ăn hoa quả nhập khẩu, bạn cần biết sử dụng quả gì khi vào chính mùa thu hoạch của mỗi loại hoa quả đó. Ví dụ với cam quýt, táo tây, lê, nho nhập từ Trung Quốc, mùa thu hoạch rộ là các tháng mùa Thu - Đông (tháng 9 - tháng 11), có thể sử dụng đến tháng 12. Từ sau đó, nhất là từ sau Tết Âm lịch (tháng 2, tháng 3 Dương lịch), nếu còn nguồn quả này thì trước đó phải được xử lý thuốc với nồng độ cao hơn nhiều so với mức bình thường. Một số loại cam quýt sản xuất ở miền Bắc nước ta (cũng có màu đỏ-da cam sẫm gần như loại từ Trung Quốc), mùa thu hoạch chính là tháng 9 đến tháng 11. Nếu còn đến tháng 2, tháng 3 thì cũng phải xử lý như vậy. Để kéo dài thời gian tiêu thụ, qua các khâu trung gian người ta có thể xử lý quả với nồng độ thuốc cao hơn. Trong thực tế, nhiều khi khó kiểm soát xem quả đã được xử lý bằng loại thuốc gì và có được phép sử dụng không, nồng độ ra sao. Đương nhiên là nồng độ thuốc xử lý càng cao, thì dư lượng độc hại càng lớn. Các loại quả mà vỏ mỏng liền với thịt quả không bóc được, như táo tây, lê, nho... thuốc dễ xâm nhập vào thịt quả hơn, so với các quả bóc vỏ được như cam, quýt, hoặc quả có lớp cùi dày như bưởi. Một điều chú ý cho các bà nội trợ là cần biết được mùa của các loại hoa quả mình hay ăn. Đối với hoa quả nhập khẩu từ các nước ở Nam bán cầu (như New Zealand, Australia, Nam Mỹ), thì ngược mùa với ở Bắc bán cầu. Mùa thu hoạch quả ở các nước đó là mùa hè ở nước ta. Nếu đúng là táo tây, lê, mận, nho... nhập từ các nước đó, thì quả vẫn được xử lý sau thu hoạch, nhưng độ tin cậy an toàn thường cao hơn, do việc thực hiện hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt hơn. Lựa chọn tối ưu vẫn là hoa quả đúng mùa vụ trong nước khi thời gian vận chuyển không quá lâu, ít phải dùng chất bảo quản.
Các loại cam quýt chính mùa ở miền Bắc (cũng không khó phân biệt với cam quýt từ Trung Quốc) và các loại từ Nam Bộ như cam Sành, quýt tròn (quýt Hồng), quýt tròn dẹt (quýt Tiều), bưởi (do không có mùa Đông lạnh nên khi chín vỏ quả vẫn màu xanh). Đây là các loại thường ít phải xử lý sau thu hoạch như trên, nên khá an toàn. Bưởi miền Bắc, như bưởi Diễn thường để được đến sau Tết mà không cần phải xử lý thuốc, khi đó cùi khô đi nhiều, quả teo nhỏ lại nhưng múi vẫn tươi, ăn vẫn ngon ngọt.