Mua nhà ở xã hội sẽ dễ dàng hơn nhờ loạt quy định mới

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở đã hướng dẫn nhiều quy định mới nới lỏng điều kiện mua nhà ở xã hội .

 

Nới loạt quy định mua nhà ở xã hội. Ảnh: Phan Anh
Nới loạt quy định mua nhà ở xã hội. Ảnh: Phan Anh

Nới điều kiện mua nhà ở xã hội

Trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Phi - Công ty Luật Lawkey cho biết, các trường hợp được mua nhà ở xã hội trước đây phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập theo quy định thì nay theo Nghị định 100/2024 chỉ cần đáp ứng điều kiện về nhà ở, điều kiện về thu nhập.

Đối với điều kiện về nhà ở, trước đây người thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện về nhà ở ngặt nghèo hơn, phải “Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập”. Nay quy định này chỉ hạn chế tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội.

Điều 29 Nghị định 100/2024 quy định nới rộng hơn diện tích tối thiểu nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình để được xem xét mua nhà ở xã hội từ 10m2 sàn/người trước đây lên 15m2 sàn/người. Đồng thời Nghị định hướng dẫn rõ diện tích nhà ở bình quân đầu người được xác định trên cơ sở bao gồm: người đứng đơn, vợ (chồng) của người đó, cha, mẹ (nếu có) và các con của người đó (nếu có) đăng ký thường trú tại căn nhà đó.

Đối với điều kiện về thu nhập, Điều 30 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP đã có sự điều chỉnh về phạm vi đối tượng được xem xét mua nhà ở.

Điều kiện về thu nhập theo nghị định 100/2024 đối với Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đứng đơn mua nhà ở xã hội là người độc thân thì có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng. Trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng.

Trước đây, các đối tượng này bị hạn chế hơn vì sẽ thuộc trường hợp “phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân” nên không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính cho cá nhân khi mua, thuê NƠXH. Các quy định xác nhận của UBND cấp xã liên quan đến nơi cư trú của cá nhân, xác nhận về thực trạng nhà ở và chưa được hỗ trợ về đất ở, nhà ở theo Luật nhà ở 2014 đã được loại bỏ.

Cú "hích" giúp phát triển nhà ở xã hội

Luật sư Nguyễn Văn Phi - Công ty Luật Lawkey nhận định, Nghị định 100/2024/NĐ-CP đã mang đến những thay đổi tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Nghị định mới đã giúp tăng khả năng tiếp cận nhà ở xã hội bằng việc mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện về thu nhập và diện tích căn hộ giúp cho một lượng lớn người dân có thêm cơ hội sở hữu nhà ở xã hội. Điều này sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội.

Thêm vào đó, việc nới điều kiện về thu nhập của một cá nhân lên con số 15 triệu đồng/tháng và 30 triệu đồng/tháng với 2 vợ chồng sẽ được tiếp cận mua nhà ở xã hội là cách tiếp cận rất sát với thực tế mặt bằng thu nhập và chi tiêu của nhiều người có nhu cầu về nhà ở xã hội hiện tại, nhất là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Khi tiếp cận theo hướng tổng thu nhập của hộ gia đình (gồm 2 vợ chồng) với tổng thu nhập không vượt quá ngưỡng 30 triệu đồng/tháng, sẽ giúp các đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội dễ tiếp cận hơn với các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước. Điều này giúp việc thanh toán tiền mua nhà ở xã hội của các chủ đầu tư tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội được đảm bảo hơn.

Nghị định 100 đã giải được một nút thắt liên quan đến điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi mua nhà ở xã hội tạo động lực thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.