Nếu như mùa Thu tới chúng ta dễ dàng bắt gặp tại nhiều khu chợ tại Hà Nội như chợ Kim Giang, Nam Đồng, Bưởi… hay bất cứ con ngõ quanh co nào những mẹt thị chín vàng, thơm man mát đặc trưng. Thì khi thấy những mẹt nhót chín đỏ au, lúc thì nhảy nhót, lúc lại đung đưa, rung rinh nhịp nhàng trên những chiếc thúng, chiếc mẹt, chiếc xảo theo chân người bán hàng khắp các con ngõ, là lúc chúng ta biết được, mùa Hạ sắp về.
Quả nhót là thứ quà quê quen thuộc, đến nay đã trở nên rất đỗi thân quen với người Hà Nội. Cứ vào độ cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, khi những cơn mưa phùn bắt đầu nhạt dần, nhường chỗ cho nắng ấm bao trùm là lúc sắc đỏ của nhót chín dần xuất hiện trên phố. Nhót có hình bầu dục, to bằng ngón chân cái, màu đỏ căng mọng, bao ngoài là với lớp vỏ mỏng tang được phủ lớp phấn trắng. Ai đó có thể đứng trên cao trên chiếc cầu đi bộ, phóng tầm mắt ra xa mà trông thấy những gánh nhót trên chiếc xe đạp cũ kỹ của cô bán hàng rong, cứ vài mét lại có một xe nhót như những đốm đỏ rực rỡ mang theo một chút hơi ấm, sắc màu tươi vui, đánh thức và làm bừng sáng không gian, những góc phố từng chìm trong mưa phùn ẩm ướt những ngày qua.
Cây nhót được trồng nhiều ở miền quê, những vùng ngoại thành Hà Nội như: Hoài Đức, Phúc Thọ, thường đơm hoa vào chớm xuân. Ra Tết, khi thời tiết ấm dần lên, hoa vào trái và lớn rất mau. Quả nhót ban đầu chỉ nhỏ như hạt lạc, khi bằng ngón chân cái thì bắt đầu căng chín. Quả ra sớm chín đỏ. Quả vàng ươm xen quả xanh rì, lúc lỉu trĩu trịt cả giàn. Lá nhót cũng rất đặc biệt, mặt trên xanh nhạt, mặt dưới phớt ánh bạc kim sa.
Người Hà Nội có thể không thấy cả giàn nhót nhưng những cô, những bà bán hàng rong cũng khéo léo ngắt theo vài cành, xen lẫn lá nhót điểm tô trên gánh hàng của mình, để xảo nhót của mình thêm phần tươi tắn.
Ăn nhót là cả một nghệ thuật, trước khi ăn phải mài sạch lớp phấn trắng, mài phải đều tay, mài nhẹ sẽ không ra, mà mài mạnh sẽ khiến quả nhót bị dập, thế nên người mài phải khéo léo, nhẹ nhàng, sau đó dùng tay xoe đều để quả nhót mềm một chút rồi ăn thì có vị ngọt mát. Nếu muốn ăn chua thì đừng vần nẫu mà cứ thế chấm với muối ớt, vị chua dịu và hơi chan chát sẽ lan tỏa khắp miệng. Vị của quả nhót mang lại cho người thưởng thức rất nhiều bất ngờ, từ lúc cho vào miệng có vị chua chua, ngọt ngọt, mát mát, nhiều người lại thích vị của hạt nhót, nhai vào thấy bùi bùi nơi cuống họng.
Cũng có người lại thích ăn những quả xanh, ương, khi chưa chín hẳn, khi xanh thì rất chua nhưng chín lại đỏ mọng, ăn mềm và rất ngọt. Mỗi người có thể thưởng thức nếm quả theo nhiều cách, mỗi cách lại cho ra một mùi vị khác nhau nhưng lạ là dù có ăn theo kiểu nào, dầm muối ớt, vần nẫu hay không thì càng ăn nhiều, càng thấy vị ngọt đọng lại.
Thong dong trên phố vào những ngày giao mùa, sà vào mấy xảo nhút chín, lại nhớ câu thơ trong bài “Lửa đèn” của nhà thơ áo lính Phạm Tiến Duật: “Anh cùng em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả/ Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá/ Quả cây chín đỏ hoe/ Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu/ Trỏ lối sang mùa Hè”.