“Mưa rơi trên sông”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Mưa rơi trên sông” là tập tùy bút đầu tay của cây bút trẻ Vân Giang. Tác phẩm do Trung tâm Văn hóa Đông Tây kết hợp với nhà xuất bản Văn học ấn hành, dày trên 200 trang gồm 100 bài viết. Tập tùy bút là sự nỗ lực cho quá trình mãi dũa ngòi bút không ngừng của chị.

“Mưa rơi trên sông” - Ảnh 1
Bìa cuốn sách Mưa rơi trên sông
 
Những trang viết thấm hồn văn chương
 
Dù là tác phẩm đầu tay, song, có một điều đáng ghi nhận là đi suốt 100 bài viết của Vân Giang, chúng tôi thấy tác giả viết khá đều tay. Đọc tùy bút của Vân Giang kể ra cũng có ít nhiều thi vị và ta bắt gặp không ít những trang viết có cái hồn văn chương.
 
Trang viết của Vân Giang hay nói và nói hay về tuổi thơ và những kí ức của thời ngây dại. Chị cứ hoang hoải ôm ấp linh hồn của tuổi thơ. Có khi đó là những kỷ niệm đẹp như đời thường vô tư của thời xưa trẻ nhỏ với những quyển truyện tranh, cái thời “Con nít con nôi” ngồi trên mái nhà vô tư nhìn nắng nhìn mây. Cũng có khi nhớ lại những đêm chờ đợi cổ tích ngày nhỏ để bâng khuâng tìm hoài “Cổ tích ở đâu”. Có khi là trò chơi tuổi thơ đã trở thành trò chơi của số phận để con người ta hoang mang “Đi tìm câu đồng dao đã mất”. Lại có cả nỗi nhớ tháng ngày đầy thương tổn khi nghe tiếng kèn cựa áo cơm của cha mẹ và những buổi đi mót cà phê của tuổi nhỏ khi nhìn lại cuộc đời bây chừ của mình cũng đang “Đuổi hình bắt bóng”. Để rồi sau bao nhiêu xa xót, để trầm ngâm “Một hôm mơ mình thành công chúa”… Tuổi thơ ấy vừa chung vừa riêng ở trong mỗi chúng ta.
 
Tây Nguyên - tuổi thơ của chị
 
Chị hay nói đến tây nguyên như con đê dài của tâm tưởng để níu kéo lại tuổi thơ. Màu hoa dã quỳ trong tùy bút Vân Giang chợt chói lên, ngời ngời vàng như một ám ảnh không nguôi về quê mẹ cái thời thơ bé, cứ rưng rức một cơn mơ. Nắng của Tây Nguyên chưa bao giờ trổ vàng hoa chữ văn chương như thế. Từ “Hát từ Ban Mê Thuột thân yêu” của Trần Tấn Ngô với “cô gái miền cao thơm như nắng” đến cái nắng Tây Nguyên trong trang viết của Vân Giang mới thấy Tây Nguyên “say người như rượu tối tân hôn” là thế nào.
 
Cô gái Ê Đê của chị cũng quyến rũ thanh sạch như nước suối ngàn, như tiếng hát núi rừng trong đêm nên gợi cảm không khác gì bài thơ danh tiếng của Trần Tấn Ngô. Chị mang trong mình dòng máu Ê Đê từ mẹ, nên Tây Nguyên của chị là máu là thịt là hơi thở tươi ròng của cuộc đời. Đó là tuổi thơ cũng là tiền kiếp của đời người.
 
“Mưa rơi trên sông” - Ảnh 2
Tác giả Vân Giang
 
Do vậy, tuổi thơ trong từng con chữ của chị gắn liền với cảm thức hoài hương, mà nói chung cuộc lại, như là một niềm trăn trở để chị làm cuộc hành trình về tiền kiếp của mình. Theo dõi mạch cảm xúc về Tây Nguyên - tuổi thơ của chị, thấy chị mơ một ngày về “tung tăng như cánh chim phí trên trời cao” tôi mới hiểu hết cái câu đầy minh triết để “tư cố hương” đẫm chất hiện sinh đến độ siêu hình của Lý Thái Bạch hơn ngàn trăng mùa trước.
 
Huế và những cơn mưa
 
Chị cũng hay viết có dành ít trang viết về Huế - quê cha và là nơi lập nghiệp của chị, về xứ Bắc và Hà Nội ba sáu phố phường. Huế mà chị ngắm nhìn không phải ở rêu mốc cổ xưa, mà là ở những cơn mưa, ở những gánh hàng rong còm cõi, những giọt cà phê trầm đắng, và những cuộc chia ly như mây bay qua Thiên Mụ. Xứ Bắc quê chồng lại có những mênh mông cánh cò, có tuổi thơ “anh” như mọi người khác đi mót lúa trên cánh đồng thập thững nắng. Hà Nội với những hàng sấu, hạt cốm xanh ngời như “ơn trọng thiêng liêng xuống bởi trời”, rồi mùa hoa sữa thơm tho suốt cả tình nghĩa… Không tới mức là khắc khoải, nhưng vẫn cứ là những nỗi niềm cứ day dưa như sự chia tay không đành lòng.
 
Tùy bút của Vân Giang, đọc kỹ cũng có cái thú của hồn cốt văn chương. Văn phong đẹp không theo kiểu mặn mà nhưng vừa đủ như nắng mới trên nhành lộc non và “thơm” như cô gái miền cao thơm mùa nắng. Chân dung tác giả in trên sách là một nụ cười có duyên, và chữ nghĩa của chị cũng vừa đủ duyên ngầm như vậy.
Nguyệt Nga
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần