Smarphone “kích” mua sắm trực tuyến

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo khảo sát mới nhất do Công ty Nielson Việt Nam thực hiện, 92% người sử dụng Internet tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua sắm trực tuyến.

Cùng với sự phổ cập ngày càng sâu rộng của smartphone, thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam đang đi đúng xu hướng của thế giới với tăng trưởng trung bình 20-30%/năm.

50% người dùng smartphone mua sắm online

Chia sẻ tại Diễn đàn Bán lẻ Việt Nam 2016 vừa tổ chức tại Hà Nội, Bà Trịnh Vân Hoa - Giám đốc cấp cao của Trung tâm TMĐT Nguyễn Kim cho biết, Nguyễn Kim đã tiến hành nghiên cứu nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam và nhận thấy rằng, khách hàng mua sắm đa kênh bao gồm cả kênh truyền thống (offline), mua sắm qua trang TMĐT và các ứng dụng mobile). Hiện tại, ngoài trang nguyenkim.com, Nguyễn Kim đang tập trung cả kênh mua sắm qua smartphone (NguyenKim Shopping trên App Store. Đo lường mức độ tăng trưởng, Nguyễn Kim nhận thấy tốc độ mua sắm qua thiết bị di động đã tăng vài lần.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Đồng quan điểm, ông Phạm Thành Công, Trưởng phòng cấp cao của Công ty Nielson Việt Nam cho hay, gần 50% người sử dụng smartphone ở khu vực thành thị có thực hiện các hoạt động liên quan đến mua sắm online trên điện thoại di động. Smartphone đang dần trở thành thiết bị cơ bản của mỗi người dân Việt từ thành thị tới nông thôn. Trong số những người sử dụng điện thoại di động của Việt Nam, tỷ lệ sở hữu smartphone ở thành thị là gần 70%, ở nông thôn cũng gần 40%, tăng 22 điểm phần trăm trong vòng 2 năm gần đây.

Trước đó, trong một lần trả lời PV báo Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho biết, hiện giá bán smartphone rẻ hơn rất nhiều (từ 4 – 5 lần) so với 1 chiếc máy tính để bàn (PC), do vậy, người dân ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận với internet thông qua smartphone sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với kết nối internet qua máy tính. Năm 2008, khi mà thu nhập bình quân/người chỉ bằng một nửa hiện nay, Việt Nam đã đạt mật độ 85% - 90%, tức là đã gần như phổ cập dịch vụ 2G. Giá của thiết bị 2G lúc ấy cũng khoảng 1 triệu đồng. Bây giờ, máy điện thoại 4G cũng chỉ khoảng 40 – 50 USD, GDP/người cũng cao gấp đôi năm 2008. Đó chính là nền tảng hỗ trợ TMĐT phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Cơ hội vươn lên nếu đầu tư nghiêm túc

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng bán lẻ trực tuyến cao, song theo ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, quy mô thương mại của Việt Nam còn rất nhỏ so với các nước trong khu vực.

Theo phân tích của đại diện Nielson Việt Nam, yếu tố khiến các DN TMĐT Việt Nam chưa thực sự thay đổi được hành vi mua sắm của người tiêu dùng là bởi những tiện lợi của kênh mua sắm truyền thông còn quá lớn. “Nếu các DN TMĐT không tìm được dịch vụ hay phân khúc sản phẩm chuyên biệt hơn, tạo được trải nghiệm khác biệt, và đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng thì rất khó để thay đổi thói quen mua sắm của họ” – ông Công khuyến nghị. Đáng ngại hơn là ngày càng có nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực TMĐT thế giới thâm nhập vào thị trường Việt Nam như Alibaba thì “miếng bánh” cho các DN trong nước càng nhỏ đi.

Tuy nhiên, đứng từ góc độ DN, đại diện Nguyễn Kim cho rằng, sự có mặt của các “ông lớn” sẽ tạo cho thị trường mua sắm Việt Nam cạnh tranh hơn, hấp dẫn hơn,. “Chúng tôi sẽ đồng hành và học hỏi họ thay vì tìm cách đối đầu” – bà Hoa nói. Đại diện Nguyễn Kim cũng tự tin cho rằng, trong lĩnh vực TMĐT, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể đồng hành, thậm chí nếu tập trung đúng hướng, đúng cách thì có thể tiến trước các nước trong khu vực. “Đi trước về TMĐT rất có lợi vì biên giới về TMĐT rất rộng lớn. So với các nước trong khu vực thì xuất phát điểm của chúng ta là ngang các nước nhưng phải thực sự đầu tư nghiêm túc và có tham vọng, tham vọng này phải đến từ các DN nhỏ và vừa Việt Nam” – và Hoa chia sẻ.