Nhận định trên được đưa ra tại báo cáo Đo lường hành vi mua sắm trong thương mại điện tử (TMĐT) quý I/2021 do Nielsen công bố mới đây. Theo đó, tỷ lệ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 đạt con số 32%, tăng cao so với tỷ lệ 18% của năm 2019. Tần suất mua hàng trên TMĐT cũng tăng gần gấp đôi, từ 1,2 lần năm 2019 lên con số 2,1 vào năm 2020.
Người mua hàng online chủ yếu là nữ giới. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, đối tượng khách hàng mục tiêu của TMĐT cũng nhiều thay đổi. Người tiêu dùng online vẫn chủ yếu là nữ giới (chiếm tới 67%), nhưng độ tuổi khách hàng đã thay đổi đáng kể. Theo đó, nhóm khách hàng tiêu dùng chủ yếu trên kênh TMĐT dịch chuyển sang nhóm tuổi trưởng thành hơn, từ 30 - 45 tuổi khi chiếm tỷ lệ lên tới 57%.
Với lượng người mua bán trên TMĐT ngày càng gia tăng thì các mối quan tâm của người dùng khi mua sắm cũng tăng lên. Sản phẩm không đúng thực tế, chất lượng kém hay không được trải nghiệm sản phẩm trước khi mua… vẫn là những mối quan tâm hàng đầu và ngày càng mạnh hơn trong tâm trí người tiêu dùng.
Theo nghiên cứu, có tới 70% người tiêu dùng lo lắng các sản phẩm thực tế không giống như miêu tả trên website (năm 2019 con số này là 30%); 63% người dùng quan ngại về chất lượng sản phẩm kém (năm 2019 là 28%).
Vì những lý do này, người Việt cũng cẩn trọng hơn khi mua sắm trực tuyến. Khách hàng ngày càng chủ động tìm kiếm các thông tin đánh giá (review) sản phẩm, so sánh giá hay các khuyến mãi trước khi mua trên các nền tảng tìm kiếm, review của người dùng khác trên website mua hàng hay mạng xã hội.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người dùng sẵn sàng đánh giá sản phẩm trên website, chia sẻ trải nghiệm, thảo luận đã tăng vọt trong năm 2020. Có tới 50% người dùng sẵn sàng đánh giá về sản phẩm trên cùng website đã truy cập để mua sắm sản phẩm đó, 41% người dùng chia sẻ trải nghiệm sản phẩm khi được hỏi và 28% người dùng chia sẻ các trải nghiệm sản phẩm trên blog/diễn đàn/website...