Mùa Trung thu đong đầy yêu thương

Nhóm phóng viên Văn xã
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một Tết Trung thu nữa lại về, khắp phố phường náo nức không khí ngày hội của trẻ em. Nhưng ở đâu đó, vẫn còn những em bé mắc bệnh hiểm nghèo tưởng như chẳng bao giờ có thể chiến thắng sự khổ đau thì câu chuyện của chị Hằng, chú Cuội, của vầng trăng cổ tích đã mang đến cho các em những nụ cười nở trên môi.

Văn nghệ vui Tết Trung thu tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Nguyễn Tâm
Đón Trung thu ở phố cổ
Gần một tuần nay, những địa điểm quen thuộc trên khu phố cổ Hà Nội như: Phố tranh bích họa Phùng Hưng, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội… rộn ràng không khí Trung thu bằng các hoạt động mang đậm văn hóa truyền thống. Lần đầu tiên được chứng kiến lễ hội Trung thu ở Hà Nội, ông Philipp đến từ nước Đức cảm thấy rất thú vị. "Đã nhiều lần đến Thủ đô nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đón Tết Trung thu của Việt Nam. Lang thang ở Trung tâm văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ), tôi có thể ngồi hàng giờ để được nghệ nhân người Việt hướng dẫn làm đèn kéo quân. Ấn tượng đầu tiên trong tôi là dù cây đèn không lòe loẹt nhiều màu sắc nhưng họa tiết lại rất tinh tế" – ông Philipp hào hứng chia sẻ.

Những ngày này, ở phố Hàng Mã, không khí Trung thu thật náo nhiệt khi trẻ em, người lớn chen chân mua đủ các mặt hàng "made in Vietnam" như mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, hay các sản phẩm đồ chơi "made in China" như chiếc kiếm nhựa, bờm công chúa lấp lánh. Còn Tết Trung thu ở phố bích họa Phùng Hưng giúp du khách có thể thư thái trải nghiệm không gian phố đèn lồng, cùng ghé vào các gian hàng giới thiệu về đồ chơi truyền thống. Các nghệ nhân, thợ thủ công sẽ trực tiếp hướng dẫn du khách cách làm đồ chơi như: Đèn kéo quân (nghệ nhân xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội); tàu thủy bằng sắt tây (thợ thủ công phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)… Cũng tại nơi đây còn diễn ra các hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi. Tại đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc) lại là không gian mang đậm tính trưng bày Tết Trung thu cổ truyền. Mâm cỗ Trung thu với 5 loại quả đặc trưng của mùa Thu như: Chuối, bưởi, na, ổi, lựu cùng chiếc đèn ông sao, các loại con giống, bánh nướng, bánh dẻo… sẽ đưa người xem trở về không gian Trung thu những năm đầu thế kỷ XX. Ở nơi đây, các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian như đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, diều giấy, tò he…

Còn tại Ngôi nhà Di sản, 87 Mã Mây, công chúng sẽ được trải nghiệm không gian Tết Trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội xưa. Đáng chú ý là hoạt động trưng bày bộ ảnh Trung thu phố cổ đầu thế kỷ XX của Trung tâm Thông tin Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Các hoạt động Trung thu trên phố cổ sẽ kéo dài đến hết ngày 13/9.

Ấm áp nụ cười trẻ thơ

Bên ngoài phố xá ồn ào, náo nhiệt bởi lễ hội Trung thu được tổ chức khắp các khu phố, còn trong bệnh viện, hàng trăm, hàng nghìn trẻ vẫn đang phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật. Để giúp các em có được một mùa Trung thu ấm áp, đầy tình yêu thương, nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị đã cùng nhau chung tay vì trẻ thơ. Tại Bệnh viện K, hơn 30 đoàn, cơ quan, đơn vị cùng nhiều nhóm thiện nguyện đã đến thăm hỏi và trao quà, động viên tinh thần các em nhỏ đang điều trị nơi đây. Gần 9.000 lượt bệnh nhân được nhận quà và tiền mặt, trong đó số tiền mặt mà các bệnh nhân được nhận từ tấm lòng của các nhà hảo tâm là hơn 1,2 tỷ đồng và hơn 5.000 phần quà được trao đến từng bệnh nhi. “Em chẳng muốn ở đây đâu, em muốn về đi học nhưng bác sĩ bảo em có bệnh nên phải ở lại để truyền thuốc. Hôm nay nhận được quà Trung thu em rất vui, chắc vài hôm nữa em sẽ được về với ông bà thôi” – em Nguyễn Ánh Vân - Khoa Nhi, Bệnh viện K chia sẻ. Nhưng em chẳng thể biết rằng, bệnh ung thư xương của em phải điều trị suốt đời và cũng chẳng nói trước được điều gì về tình hình sức khỏe. Cùng với Ánh Vân, nhiều em bé bị ung thư khác như ung thư mắt, gan, ung thư hạch hay bệnh bạch cầu đang điều trị tại BV vẫn mỏi mòn chống chọi bệnh tình. Trong số đó, cũng không ít em chẳng thể kịp đón mùa Trung thu năm nay…

Còn tại Bệnh viện Nhi T.Ư, suốt 2 tuần qua, nhiều chương trình Trung thu và nhiều cá nhân, tập thể đã chia sẻ tình yêu thương đến các em bé đang điều trị bệnh nơi đây. Nhoẻn miệng cười tươi khi được nhận quà Trung thu từ nhóm Cộng đồng Doanh nhân, bé Trịnh Hà Giang (6 tuổi, quê ở xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) vô cùng thích thú. Ứa nước mắt nhìn khuôn mặt rạng rỡ của con, mẹ của Giang xúc động chia sẻ: “Con bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh nên tuổi thơ của con gắn liền với bệnh viện mấy năm ròng. Cũng may được có nhiều đơn vị đến tặng quà, được BV quan tâm, con tôi như vơi bớt nỗi đau”.

Còn tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, các em nhỏ cũng được đón một chương trình Trung thu ấm áp, đầy tình cảm và nhiều ý nghĩa. Đã có gần 100 triệu đồng tặng quà Tết Trung thu cho các bệnh nhi đang điều trị bệnh.

Tương tự, từ cuối tháng 8 đến nay, tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đã diễn ra nhiều chương trình Tết Trung thu dành cho gần 400 em nhỏ như: Vầng Trăng cổ tích, Vui Tết Trung thu, Trung thu đoàn viên... với mong muốn mang lại cho các em nụ cười và những phút giây sảng khoái. Ngoài ra, các chương trình hiến máu Ngày hội tình nguyện "Trung thu cho em - Thắp sáng tuổi thơ Việt", lễ hội Hiến máu Trăng Hồng... cũng được các tổ chức cùng chung tay để mang tình yêu, hy vọng, niềm tin và sự may mắn cho các bệnh nhi; đem đến một mùa Trung thu tròn đầy những trẻ kém may mắn.

Rất nhiều em nhỏ đã được đón mùa Trung thu đong đầy tình yêu thương, sự sẻ chia của cả cộng đồng. Niềm vui, nụ cười của các em, cũng chính là niềm vui, niềm hy vọng của người lớn dành cho thế hệ thiếu nhi của đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần