Vàng trong nước "đắt" hơn vàng thế giới trên 7 triệu đồng/lượng
Theo quan niệm dân gian, mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày dành để tưởng nhớ và tạ ơn đến vị Thần Tài với mong muốn có một năm mới bình an và sung túc. Vì vậy, thói quen nhiều người là đến thời điểm này sẽ đi mua vàng nhằm cầu mong “buôn may bán đắt”. Với việc người mua không quá quan tâm tới giá cả, ngày vía Thần Tài được xem là dịp "hốt bạc" lớn của giới kinh doanh vàng.
Dù giá vàng trong nước vẫn đang có xu hướng giảm nhẹ nhưng mức chênh lệch với giá thế giới vẫn ở mức cao, trên khoảng 7 triệu đồng/lượng. Sáng ngày 19/2, giá vàng miếng trong nước đang giao động ở mức 55,75 - 56,3 triệu đồng một lượng, giảm khoảng 200.000 - 250.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Tuy nhiên, mức giá này vẫn chênh khá cao so với giá vàng thế giới khi chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá đang nằm ở mức 1.765 USD một ounce, tương đương với 49,2 triệu đồng một lượng.
"Ôm lỗ" ngay sau ngày Thần tài
Nhiều năm qua, giá vàng thường có xu hướng tăng những ngày sát Lễ Thần tài. Đơn cử, ngày vía Thần Tài năm 2020, giá vàng trong nước liên tục tăng và đạt đỉnh vào khoảng 43,75 - 44,82 triệu đồng một lượng, cao hơn so với giá thế giới khoảng 8 triệu đồng một lượng/lượng. Nhưng chỉ ngay sau ngày vía Thần Tài, kim loại quý này đã đột ngột lao dốc. Chỉ sau một đêm, người mua đã lỗ khoảng 1,5 - 1,75 triệu đồng/lượng.
Theo chuyên gia tài chính Phạm Văn Tuyến- Trưởng phòng môi giới Công ty Chứng khoán Kis Việt Nam, nhiều khả năng, giá vàng trong ngày vía thần tài năm nay sẽ chênh khoảng 5% so với ngày thường, tương đương với mức khoảng 57,6 - 58,5 triệu đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, mức giá tăng này chủ yếu là do giới kinh doanh vàng đẩy lên dựa trên nhu cầu mua tăng đột biến chứ không phản ánh đúng mức giá của thị trường, do đó ngay sau ngày vía Thần Tài, giá vàng sẽ giảm mạnh là điều dễ nhận thấy.
Với những người lựa chọn dịp này để mua bán vàng kiếm chênh lệch, ông Phạm Văn Tuyến đưa ra lời khuyên rằng, cần hết sức thận trọng. "Tới thời điểm này, chưa có gì đảm bảo chắc chắn là giá vàng trong mấy ngày tới sẽ tăng quá cao đủ để giới kinh doanh "lướt ván" dạng này có thể có lời. Do đó, nếu có đầu tư thời vụ, người mua cần chú ý mức chênh lệch giữa mua - bán vào khoảng 500.000 đồng mỗi lượng là có thể xem xét, nếu từ mốc 1 triệu đồng một lượng trở lên là tương đối nguy hiểm, cần thận trọng khi quyết định"- ông Tuyến nhấn mạnh
Theo giới chuyên gia dự đoán, với tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trên quy mô toàn thế giới, đặc biệt là một số quốc gia đang có thêm những tiến triển mới về việc triển khai vaccine phòng ngừa dịch bệnh này, tình hình kinh tế sẽ sáng sủa hơn kéo theo giá vàng sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn.
Mới đây, Chủ tịch điều hành của Yamana Gold Peter Marrone đã đưa ra nhận định: Thật khó để dự đoán giá vàng sẽ ở đâu trong ngắn hạn. Kim loại quý khó phục hồi cùng chiều với nền kinh tế và thời gian tới, có thể bạc sẽ vượt trội hơn vàng.
Cũng trong một dự báo mới từ Morgan Stanley, giá vàng sẽ còn có thể thủng mốc 1.800 USD/ounce trong năm 2021. Theo ngân hàng này, lạm phát của Mỹ dự báo sẽ tăng hơn 2% một chút trong 2 năm tới. Và đây không phải là loại kịch bản lạm phát có thể giúp giá vàng bứt phá.
Đưa ra nhận định về giá vàng trong năm 2021, chuyên gia tài chính Phạm Văn Tuyến dự đoán sẽ giảm dần trong năm và tăng trở lại vào cuối năm. Giá vàng sẽ phụ thuộc chú yếu vào sự phục hồi của đồng USD, nếu đồng tiền này khởi sắc thì giá của thứ kim loại đắt đỏ này sẽ tăng trở lại. Nhiều khả năng tới hết năm /2021, giá vàng sẽ đạt mốc từ 60 triệu đồng mỗi lượng trở lên.