Sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường đã hồi phục mạnh trong phiên 17/5. VN-Index tăng 56,42 điểm (+4,81%) qua đó lấy lại ngưỡng tâm lý 1.200. Đây là phiên tăng điểm mạnh nhất của VN-Index trong lịch sử. Còn nếu xét trên mức tăng % vốn hóa thì đây là phiên tăng mạnh thứ 15 trong lịch sử. Lần gần đây nhất tăng mạnh hơn là phiên 6/4/2020 với mức tăng 4,98% giá trị vốn hóa.
Dù chứng khoán đã có phiên bứt phá trong khó khăn nhưng giữ tâm lý thận trọng vẫn là lời khuyên của các chuyên gia trong phiên 18/5.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, kịch bản VN-Index tiếp tục giảm điểm về vùng 1.155 điểm và 1.100 điểm, tương đương ngưỡng 0.786 và 1 là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo đó, VCBS vẫn giữ quan điểm và khuyến nghị nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng.
Về phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, VN-Index đang có tín hiệu tích cực khi xuất hiện cây nến nhấn chìm tăng - Bullish Engulfing, cho thấy phe mua đang chiếm ưu thế áp đảo. Đây được cho là mô hình đảo chiều khá tin cậy khi xuất hiện trong một xu hướng giảm.
Tuy nhiên, với khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp, Agriseco đánh giá đợt phục hồi này không quá mạnh mẽ. Dự báo, các mốc kháng cự tiếp theo của chỉ số sẽ quanh vùng 1.250 - 1.270, nhà đầu tư có thể hạ dần tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index tiệm cận tại các mốc này. Đối với những nhà đầu tư muốn thực hiện mua mới, Agriseco khuyến nghị nên tập trung vào các mã đầu ngành thuộc nhóm ngân hàng, đầu tư công và bất động sản.
Còn khuyến nghị từ Chứng khoán MB cho rằng, một phiên tăng điểm chưa đủ dấu hiệu để làm thay đổi xu hướng thị trường, điều quan trọng là tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa. Nhà đầu tư có thể bắt đáy với tỷ trọng nhỏ, không dùng margin và không nên mua đuổi trong các nhịp tăng.
Trên các diễn đàn, tâm lý nhà đầu tư đã được giải tỏa phần nào sau phiên tăng mạnh 17/5. Tuy nhiên, với việc thanh khoản vẫn ở mức thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn còn khá dè dặt trong việc quay trở lại thị trường sau nhịp giảm mạnh 24% (từ 1.530 điểm về 1.160 điểm) trước đó.
Trong chiều 17/5, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) lần đầu công bố đại chúng dữ liệu giao dịch tự doanh công ty chứng khoán. HPG đứng đầu danh sách mua ròng của khối tự doanh với 55 tỷ đồng. STB và SSI đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 37 tỷ đồng và 30 tỷ đồng. Chiều ngược lại, DXG bị bán ròng mạnh nhất với 33 tỷ đồng. Tiếp sau đó, BCM cũng bị bán ròng 16 tỷ đồng.