Hòa vào dòng người đổ ra đường, chợt thấy tất bật hơn thường nhật. “Nền trời đùng đục như màu pha lê mờ” được điểm xuyết bởi sắc hồng của đào bích, đào phai đang được chở đi ngược xuôi trên phố. Xa xa lại thấy xanh mướt của nhành lộc non cây quất… mới bất giác nhận ra rằng, chỉ còn mấy ngày nữa thôi là đến Tết.
Đâu đó trên một số tuyến phố lời giai điệu “Xuân đã về, Xuân đã về, ngàn hoa hé môi cười tươi đón gió mới…” vang lên rộn ràng. Giờ này ở ngoại thành, một số nhà đã rục rịch cắt lá dong, chuẩn bị gạo nếp, cân thịt lợn cho mẻ bánh chưng đầu tiên trong dịp Tết. Nghĩ đến thế thôi mà phấn khởi, thèm hương vị Tết ấy ngay được! Mấy ngày cận Tết, chợ hoa Hàng Lược nườm nượp những người chọn cho mình những cành đào, hoa mai, cây quất, chậu đỗ quyên, giỏ lan hay lọ thủy tiên… ưng ý nhất. Như thể muốn thoát khỏi “giấc ngủ Đông”, muôn loài cây cựa quậy, trồi lên lộc non, sắc hoa Xuân mơn mởn và tươi mới. Khu vực Hồ Gươm những ngày này lung linh ánh đèn, “khoác những chiếc áo” hoa rạng rỡ, thêm vài giỏ hoa tươi với cờ Tổ quốc trên mấy cột đèn đường. Đất trời vào Xuân, mấy cô thiếu nữ Hà thành càng thêm duyên dáng trong tà áo dài lụa hồng, nhung đỏ, gấm xanh…
Từ các khu phố cổ, không khí đón Tết lan tỏa ra khắp mọi nẻo đường. Tại các tuyến phố chính, công tác trang trí bằng hệ thống chiếu sáng, đèn Led đang được những người thợ điện khẩn trương hoàn tất. Ở một số tuyến phố khác, công nhân làm xuyên đêm trải nhựa để hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Thậm chí không đợi đến dịp này, ngay từ vài tháng trước, một phần vỉa hè hoặc giải phân cách trên những đường phố như Nguyễn Tri Phương, Trần Phú, Kim Mã, Giảng Võ, Láng… đã được trồng thêm tầng tầng lớp lớp cỏ, cây xanh, đan xen vào đó lại có vài bông hoa vô cùng bắt mắt. Những cảnh sắc tràn đầy sức sống đó đã tạo ra những nét Xuân rất riêng của Hà Nội.
Nhìn rộng hơn, với tốc lực phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, bộ mặt đô thị Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày với nhiều tòa cao ốc, khu đô thị, cầu đường mới. Thủ đô đang ngày một đẹp hơn, xanh hơn theo hướng hiện đại và văn minh.
Một năm trôi qua, Hà Nội tiếp tục có những bước phát triển toàn diện. Đáng kể nhất là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 8,45 tỷ USD, là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước tăng 7,62%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đặc biệt, qua việc hoàn thành xuất sắc vai trò TP chủ nhà của Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, chúng ta đã để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế về một Thủ đô, đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách, năng động, đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng. Không những thế, việc Hà Nội được UNESCO công nhận trở thành thành viên mạng lưới các "TP sáng tạo" sẽ tạo thuận lợi cho Hà Nội trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa.
Những kết quả phát triển trên đã cải thiện rõ nét đời sống của người dân Hà Nội, tác động tích cực đến công tác phục vụ người dân đón Tết năm nay. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, TP đã chỉ đạo và định hướng cho các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa tăng 7% - 25% với tổng giá trị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết ước đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch Tết năm 2019). Bên cạnh đó, tổ chức 9 phiên chợ Việt; 300 chuyến bán hàng lưu động, Hội chợ hàng Việt, Hội chợ hàng khuyến mại, Hội chợ đặc sản vùng miền; 807 điểm bán trái cây an toàn; tổ chức 51 địa điểm chợ Hoa Xuân phục vụ Tết... Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại hệ thống các điểm bán hàng (454 chợ, 110 siêu thị kinh doanh thực phẩm, 807 cửa hàng kinh doanh trái cây, trên 1.700 cửa hàng tiện ích, chuỗi...); 981 địa điểm mở cửa từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết theo đăng ký, 5.600 chương trình khuyến mại phục vụ nhu cầu Nhân dân. Vì thế, từ trung tâm thương mại cho đến các siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng tạp hóa, đâu đâu cũng đều chất đầy mọi loại hàng. Ngoài ra, TP còn có rất nhiều điểm tổ chức các phiên chợ Việt, chuyến hàng lưu động, hội chợ Xuân nhằm đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm phong phú của người dân Thủ đô...
Để ai cũng có một cái Tết ấm áp và đủ đầy, hơn 1.000 hộ nghèo được TP vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Giờ đây, họ đã có một mái ấm để “an cư” rồi “lạc nghiệp”, tạo cơ sở để thoát nghèo bền vững. Sự nối tiếp của các chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Hà Nội cũng được thể hiện qua việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công; hỗ trợ công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn như trao gần 7.000 suất quà, tặng hơn 1.700 vé xe cho công nhân về quê, trao tặng 65 Mái ấm công đoàn trong dịp Tết. Tất cả những hoạt động chăm lo đó để đảm bảo rằng ai ai cũng có Tết, “để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Canh Tý 2020 sẽ là một năm đặc biệt của Thủ đô, đánh dấu cột mốc Thăng Long – Hà Nội 1010 tuổi, Đảng ta tròn 90 năm tuổi, Đảng bộ TP kỷ niệm 90 năm… Năm tới, ngoài rốt ráo chuẩn bị tốt công tác tổ chức các sự kiện chính trị lớn như Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Thủ đô còn cần phải tăng lực mạnh hơn để đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm. Đồng thời, triển khai tổ chức chính quyền đô thị nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Song, những gì mà người dân mong chờ nhất hiện nay là những biện pháp cải thiện môi trường mang tính bền vững sẽ được triển khai hiệu quả hơn nữa, để Hà Nội tránh khỏi những tác động tiêu cực của phát triển đô thị. Hà Nội không phải là TP hoa như Đà Lạt nhưng nhất định phải là TP xanh - văn hiến - văn minh, như ước muốn của biết bao thế hệ người Thủ đô.
Dù còn việc này, việc kia chưa hài lòng, song những thành quả đã gặt hái được của Hà Nội trong năm qua là rất lớn. Ôn lại những việc năm cũ để tìm động lực cùng nhau tiếp tục xây dựng và phát triển Thủ đô. Năm mới Canh Tý mở ra thêm bao ước vọng, nhân lên niềm tin về những điều tươi đẹp nhất, hạnh phúc nhất sẽ đến với mỗi người, với mỗi gia đình, với Hà Nội thân yêu.