Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mùa Xuân trên vùng đất đang chuyển mình lên quận

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày đầu năm mới, trong không khí rộn ràng đón Xuân Nhâm Dần 2022, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức khánh thành 3 công trình trọng điểm của huyện.

Đó là dự án đầu tư cải tạo xây dựng trường THPT Cao Bá Quát, thông xe tuyến đường đô thị song hành với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và khánh thành, đưa trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện vào hoạt động.

Đây là 3 trong hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật khung, đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp, đáp ứng nhu cầu thành lập quận trên địa bàn huyện Gia Lâm trong giai đoạn 2020 - 2025.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết cùng lãnh đạo huyện Gia Lâm cắt băng thông xe tuyến đường đô thị song hành với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết cùng lãnh đạo huyện Gia Lâm cắt băng thông xe tuyến đường đô thị song hành với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết

Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung

Có mặt trên những tuyến đường vừa khánh thành vào đầu năm Nhâm Dần, mới cảm nhận được vẻ yên bình, tươi sáng của mùa Xuân trên vùng đất Gia Lâm. Trên tuyến đường đô thị song hành với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua thị trấn Trâu Quỳ và các xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư của huyện Gia Lâm, cờ, băng rôn, khẩu hiệu với nhiều sắc màu rực rỡ tung bay trong gió Xuân phơi phới. Đây đó một vài chiếc xe hơi đời mới nhẹ nhàng lướt qua, đưa đón người đi chúc Tết.

Dừng xe bên đường để hít thở không khí trong lành và ngắm cảnh làng quê đổi mới, anh Nguyễn Tuấn Anh, người xã Đa Tốn không giấu được niềm tự hào cho biết, anh rất vui vì diện mạo quê hương ngày càng thay da đổi thịt, đường sá rộng dài, trải nhựa thênh thang; tuyến đường nào cũng có cây xanh, thoát nước và hệ thống chiếu sáng hiện đại.

Bên cạnh các tuyến đường là các công trình trường học, trạm y tế, các cơ quan, công sở khang trang; những khu đô thị, tòa nhà cao tầng được xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt rất văn minh, hiện đại. Đi trên đường quê mà như ngỡ đang lạc vào đô thị…

Theo lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, trong 5 năm qua, huyện đã triển khai 363 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đạt 94,5%, đến nay đã hoàn thành 283 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng. Hiện tại, 100% đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% tuyến đường từ 2m trở lên được lắp đặt chiếu sáng.

Chỉ riêng năm 2021, huyện Gia Lâm đã lập, thẩm định và trình duyệt hàng chục đồ án quy hoạch trên địa bàn theo thẩm quyền; hoàn thành công tác lập nhiệm vụ đồ án “Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm tỷ lệ 1/25.000” trình TP thẩm định, phê duyệt. Hiện tỷ lệ công trình có giấy phép xây dựng hoặc miễn phép trên địa bàn huyện đạt trên 98%. Huyện cũng đã triển khai lắp đặt hệ thống các biển chỉ dẫn công cộng và cơ bản hoàn thành công tác cắm biển ngõ công, gắn biển số nhà tại tất cả các xã, thị trấn, tạo thuận lợi cho Nhân dân trong các giao dịch hành chính, thương mại đồng thời thay đổi diện mạo đô thị, hình thành nếp sống văn minh.

Đặc biệt trong năm qua, huyện đã triển khai thực hiện 236 dự án đầu tư công với tổng kinh phí trên 2.244 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành 58 dự án; triển khai GPMB 68 dự án, đạt trên 75% kế hoạch; tiếp tục triển khai các dự án giao thông hạ tầng khung theo chương trình, kế hoạch và các dự án cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường giao thông trục chính ngõ xóm, đảm bảo mỹ quan đô thị…

Trụ sở mới Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Gia Lâm vừa được khánh thành đầu năm 2022
Trụ sở mới Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Gia Lâm vừa được khánh thành đầu năm 2022

Định hình nếp sống văn minh

Song song với việc đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung, huyện Gia Lâm chú trọng đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị và môi trường xanh - sạch - đẹp. Trong năm 2021, huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo và mua sắm đồng bộ trang thiết bị cho các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn với tổng kinh phí trên 81,5 tỷ đồng; đầu tư, lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời tại 293 điểm với tổng kinh phí gần 23 tỷ đồng; vận động Nhân dân xã hội hóa để lắp đặt thiết bị 8 điểm vườn hoa, sân chơi, nâng tổng số điểm có lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời lên 301 điểm…

Đồng thời, huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng các phong trào, các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh- sạch- đẹp. Năm 2021, toàn huyện có 94,8% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 99,4% số thôn, tổ dân phố giữ vững và đạt danh hiệu văn hóa; 89% đơn vị đạt danh hiệu văn hóa; 20 xã tiếp tục giữ vững danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và 2 thị trấn giữ vững danh hiệu “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Nhân dân trong huyện thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội.

Để nếp sống văn minh đô thị ngày càng được hoàn thiện, nâng cao, năm 2022, các cấp ủy, cơ sở, chính quyền và các phòng, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở của huyện Gia Lâm tiếp tục tăng cường phổ biến, quán triệt các nội dung của Chương trình số 13-CTr/HU ngày 12/10/2020 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp đáp ứng yêu cầu thành lập quận trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2020 - 2025”.

Một làng văn hóa tiêu biểu ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm
Một làng văn hóa tiêu biểu ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm

Trong đó, tiếp tục triển khai 25 đồ án quy hoạch chi tiết và 45 quy hoạch tổng mặt bằng, đồng thời triển khai GPMB đối với 75 dự án với tổng kinh phí 559 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai xây dựng 12 dự án xây kè, tách nước thải kết hợp làm vườn hoa, trồng cây xanh đối với 21 ao, hồ trong khu dân cư; trồng mới gần 10.000 cây xanh.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp, trong đó rà soát, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của các thôn, tổ dân phố gắn với nếp sống văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; triển khai hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy tắc ứng xử. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện; đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn/tổ dân phố. Nâng cao chất lượng các phong trào, các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn…

Với những kết quả đạt được và sự phấn đấu không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng, mục tiêu đưa Gia Lâm trở thành quận của Thủ đô vào năm 2023 của huyện Gia Lâm sẽ sớm thành hiện thực.

 

Năm 2021, huyện Gia Lâm đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu kế hoạch TP giao; 23/23 chỉ tiêu huyện giao; giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 4,61%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt trên 2.800 tỷ đồng, bằng 112,7% dự toán TP và huyện giao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62,5 triệu đồng/năm. Toàn huyện đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Gia Lâm đã đạt 25/27 tiêu chí thành lập quận.