Ngân hàng vẫn lợi nhuận cao, lãi khủng
Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tình trạng thời gian qua, khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, đối mặt với các gói nợ xấu thì cả hệ thống chính trị đã góp sức hỗ trợ với Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV được cho là khá mạnh mẽ và hiệu quả đúng như Thống đốc đánh giá. Ở chiều ngược lại trong 2 năm qua ngành ngân hàng cũng đã hỗ trợ rất tích cực cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng mức độ chia sẻ của ngân hàng đối với doanh nghiệp, người dân đối với đất nước chưa tương xứng khi kinh tế đất nước trong 2 năm qua tăng trưởng thấp kỷ lục, rất nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản, ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường, người dân gặp vô vàn khó khăn, lao đao vì dịch bệnh; nhiều khoản nợ ngân hàng không trả được, nợ tăng trở lại nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng.
Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Thống đốc đánh giá và chia sẻ về sự đồng hành của ngân hàng đối với doanh nghiệp, nền kinh tế đất nước ta trong thời gian qua và giải pháp nào trong thời gian tới. “Liệu đây là nỗi oan Thị Kính hay nỗi oan gì?” - đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hướng xử lý đối với hai tình huống thực tế đang diễn ra: Thứ hất là mặt bằng lãi suất quốc tế đang và sẽ tiếp tục gia tăng, trong khi mặt bằng lãi suất trong nước được yêu cầu phải giữ ổn định, thậm chí phấn đấu để giảm thêm.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước buộc phải kiểm soát tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế, chủ yếu thông qua việc siết van tín dụng cấp vốn cho nền kinh tế; đồng thời lại được yêu cầu nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Thống đốc sẽ chọn giải pháp hy sinh mỗi thứ một tý hay mặc nhiên không làm gì, hay phải có giải pháp nào khác để đạt được mọi mục tiêu trên?
Đặt vấn đề tín dụng công nghệ cao, đại biểu Phúc Bình Niê KDăm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, qua phản ánh thực tế của người dân thì việc tiếp cận và vay vốn còn rất nhiều khó khăn. Các chính sách chủ yếu phụ thuộc vào quyền tự quyết của ngân hàng cho vay như hạn mức cho vay, mức lãi vay, điều kiện cho vay, trong khi các ngân hàng luôn phải tính toán để đảm bảo có lãi và hạn chế rủi ro khi cho vay nên đưa ra các thủ tục, điều kiện mà người dân, hợp tác xã khó tiếp cận. Đại biểu đề nghị Thống đốc có ý kiến đánh giá và có giải pháp về vấn đề này?
Tham gia tranh luận, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho biết: Tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đề cập đến tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để đảm bảo cho hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư để đảm bảo vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều ngân hàng chưa thực hiện quy định của Thông tư này. Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện thông tư của các ngân hàng; trách nhiệm và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này trong thời gian tới như thế nào để đảm bảo cho hệ thống các ngân hàng thương mại được hoạt động hiệu quả?
Các tổ chức tín dụng cần có dự phòng xử lý các khoản nợ xấu
Trả lời câu hỏi về lợi nhuận ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vừa qua, các tổ chức tín dụng đã thực sự theo sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước để đồng hành với doanh nghiệp và người dân. Từ khi đại dịch đến nay các tổ chức tín dụng thực hiện miễn, giảm lãi vay và tổng số tiền giảm đến nay đạt 47.000 - 48.000 tỷ đồng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đây là con số đáng được ghi nhận, bởi bản thân hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, hoạt động thu lợi từ lãi vay và các dịch vụ. Do đó việc chấp nhận giảm lãi vay cho thấy sự đồng hành của các tổ chức tín dụng với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, hoạt động ngân hàng cũng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh không thể tránh khỏi. Do đó, các tổ chức tín dụng cần có dự phòng cho việc xử lý các khoản nợ xấu này.
Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp của người dân. Các tổ chức tín dụng tham gia rất tích cực và theo đó rất nhiều doanh nghiệp có nợ xấu, lẽ ra không đủ điều kiện để vay vốn, nhưng bằng cách này nhiều doanh nghiệp và người dân có thể vay nợ trở lại, tiếp cận thêm khoản vay. Trong quá trình thực hiện tín dụng tăng 8% so với chỉ tiêu 14% cả năm. Đồng thời, nhờ thông tư tái cơ cấu khoản vay, giữ nguyên nhóm nợ đã giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi tiếp tục được vay vốn.
Về lợi nhuận của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ các ngân hàng là doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu kinh doanh. Nhưng khác với doanh nghiệp thông thường thì số vốn điều lệ và quy mô tài sản của ngân hàng là rất lớn. Nếu như đến cuối 2020 toàn hệ thống tổ chức tín dụng tổng tài sản là 14 triệu tỉ đồng thì tính đến tháng 3/2022 tổng tài sản của hệ thống ngân hàng lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng; tín dụng khoảng 12 triệu tỷ và tài sản khoản 1,6-1,7 triệu tỷ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ nếu tính lợi nhuận sinh lời trên tổng tài sản như vậy thì không phải là lớn. Theo những số liệu tổng hợp được trên thị trường chứng khoán, đánh giá theo tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản hoặc tỷ lệ sinh lời trên vốn của các tổ chức tín dụng so với một số các doanh nghiệp ở các ngành khác thì không cao.
Về câu hỏi giải bài toán lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là áp lực lớn để vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu giảm lạm phát. Để làm được điều đó đòi hỏi cân đối hài hòa các giải pháp từ điều hành tín dụng, lãi suất, tỉ giá và công cụ khác phải phối hợp đồng bộ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp người dân và không chủ quan trước lạm phát...
Trả lời tranh luận của đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn tỉnh Bắc Ninh), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng hai nội dung mà đại biểu tranh luận liên quan đến vấn đề về tăng cường tiềm lực tài chính của các tổ chức tín dụng Việt Nam và kiểm soát rủi ro. Thông tư 41 yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đáp ứng tỷ lệ vốn an toàn theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế thì đến nay theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đã có 85/92 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã áp dụng chuẩn mực vốn theo quy định. Còn 7 ngân hàng chưa thực hiện được, trong đó chủ yếu là một số ngân hàng yếu kém. Nguyên nhân là do về nhân sự, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu...
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, để thực hiện một Thông tư quản trị rủi ro thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng, phải tổng hợp và gắn kết cả các số liệu trong hệ thống. Tuy nhiên, ngoài những cái ngân hàng mà có mạng lưới khắp toàn quốc nhưng vẫn còn ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa thì yêu cầu trên thực sự là chưa thực hiện được. Cho nên họ có lộ trình sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước và sẽ thực hiện chậm nhất kể từ ngày 01/1/2023. Đề cập Thông tư quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn, cho vay trung, dài hạn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là một trong những cái chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra để yêu cầu là trong quá trình cấp tín dụng cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo được khả năng thanh khoản và sẵn sàng chi trả cho người dân khi người dân đến rút tiền.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, đến nay tất cả các tổ chức tín dụng đã đáp ứng yêu cầu tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn theo Thông 08. Chỉ còn 3 ngân hàng mua lại bắt buộc. Trong phương án tái cơ cấu mà Ngân hàng Nhà nước chủ trì trình các cấp có thẩm quyền có những nội dung để xử lý được những cái vướng mắc, làm sao mà cho các tổ chức tín dụng yếu kém khắc phục được những hạn chế và ngày càng hoạt động theo hướng tích cực.