Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mực nước sông Đáy tiếp tục dâng cao, nhiều nơi ở Hà Nam ngập sâu

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây ra lũ trên sông Đáy, khiến tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp ở Hà Nam, ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông, các công trình nuôi trồng thủy sản trên sông và sản xuất nông nghiệp ven sông.

Các điểm ngập sâu tại TP Phủ Lý gồm tuyến đường: khu vực chân cầu Châu Sơn, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ… Hiện các lực lượng đang chuẩn bị bao cát, đất, đá cho các tình huống xấu xảy ra.

Khu vực bờ Tây sông Đáy nước đã tràn qua bờ. Ảnh: VL
Khu vực bờ Tây sông Đáy nước đã tràn qua bờ. Ảnh: VL

Mực nước trên sông Đáy tại TP Phủ Lý đo lúc 19 giờ ngày 10/9 là 4,30m (trên mức báo động 3: 0,30m). Dự báo nước tại sông Đáy đang tiếp tục lên rất nhanh.

Quốc lộ 1A đoạn qua xã Tiên Tân, TP Phủ Lý.
Quốc lộ 1A đoạn qua xã Tiên Tân, TP Phủ Lý.

Lãnh đạo TP Phủ Lý cho biết, sau nhiều ngày mưa kéo dài, mực nước trên sông Đáy lên rất nhanh đã khiến cho TP xảy ra ngập lụt diện rộng. Hiện tại, các trạm bơm đều đang hoạt động hết công suất để cố gắng tiêu nước càng nhanh càng tốt, giúp người dân chống ngập lụt.

Mực nước trên sông Đáy đang lên rất nhanh. Ảnh: VL
Mực nước trên sông Đáy đang lên rất nhanh. Ảnh: VL

Do đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hà Nam đã phát lệnh báo động 3 trên sông Đáy và đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và TP Phủ Lý tăng cường công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều.

Tuyến đường Ngô Gia Khảm bị ngập sâu. Ảnh: VL
Tuyến đường Ngô Gia Khảm bị ngập sâu. Ảnh: VL

Kiểm tra ngay các tuyến đê bối dọc tuyến sông Hồng, cảnh báo sớm, chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho Nhân dân.

Đường Lê Hồng Phong bị ngập nước. Ảnh: VL
Đường Lê Hồng Phong bị ngập nước. Ảnh: VL

Kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu và các cống dưới đê.

Trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam.