Kinhtedothi- Khu vực làm muối trên đá có niên đại khoảng 2.000 năm được phát hiện ở không gian Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh.
Trảng muối nằm giữa biển và núi. Khu vực này cách nơi cư trú của người Sa Huỳnh cổ khoảng 800 m và cách nơi có mộ táng 500 m.Trảng muối được phát hiện hôm 10/7, trong quá trình Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi- Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi khảo sát di tích khảo cổ của Văn hóa Sa Huỳnh - nơi được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia.Tại đồng muối này, người Sa Huỳnh cổ tận dụng nền đá, nguồn nước biển sẵn có để làm muối.Việc làm muối được kế thừa qua các nền văn hóa Sa Huỳnh - Champa - Đại Việt.Đến nay, người dân Gò Cỏ vẫn làm muối trên đá, tiếp nối truyền thống của cha ông.Khi thủy triều dâng lên, nước biển chảy đầy các ô chứa. Dưới ánh nắng mặt trời, nước biển cô đặc, tăng độ mặn và được đổ vào ruộng muối. Ruộng muối là các ô nhỏ trên mặt đá, những chỗ trũng tự nhiên hoặc được người dân dùng đất sét be bờ mà thành.Sau khoảng một tuần, mỗi "ruộng muối" có thể thu hoạch được từ 2-3 kg.Trước đây, trong vùng văn hóa Sa Huỳnh, chỉ có những di tích mộ chum và di tích Long Thạnh được khai quật, chưa từng phát hiện dấu vết về nghề làm muối.Phát hiện này đã cung cấp thêm bằng chứng về 3 phương pháp làm muối của cư dân Sa Huỳnh: phơi nước biển trên đá tạo muối kết tinh, nấu nước biển làm muối trong các nồi gốm, và làm muối trên các cánh đồng.Hiện, các nhà nghiên cứu tiếp tục thu thập mẫu hiện vật để tiến hành phân tích, nhằm xác định niên đại chính xác của nghề làm muối.