Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mức sống của người lao động thấp do không khai báo 30% chi phí khác?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Người lao động (NLĐ) than tiền lương tối thiểu thấp, trong khi quản lý nói đã trả cao hơn; cách xác định mức sống tối thiểu vẫn dựa trên phương pháp cổ điển, trong khi công nhân lao động không khai báo 25 – 30% chi phí khác dẫn đến mức sống thấp.

Tiền lương là mối quan tâm của mọi NLĐ. Tại Điều 91, Bộ luật Lao động quy định rõ, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lượng mức lương thực tế.

Báo Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều”. Ảnh: Quang Tấn.
Báo Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) hợp tác tổ chức tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều”. Ảnh: Quang Tấn.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều”, do báo Kinh tế và Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam TS. Vũ Minh Tiến chia sẻ: Khi tôi đến gặp NLĐ, họ hay nói với tôi là bây giờ tiền lương thấp quá, hỏi quản lý thì bên quản lý lại cho biết đã trả lương cho NLĐ cao hơn lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định rồi. Do đó, khái niệm thế nào là mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản, tiền lương thực nhận, lương làm căn cứ đóng bảo hiểm… thì cần thống nhất thêm.

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam TS. Vũ Minh Tiến chia sẻ: Khi tôi đi gặp người lao động, công nhân, họ hay nói với tôi là bây giờ tiền lương thấp quá. Ảnh: Quang Tấn.
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam TS. Vũ Minh Tiến chia sẻ: Khi tôi đi gặp người lao động, công nhân, họ hay nói với tôi là bây giờ tiền lương thấp quá. Ảnh: Quang Tấn.

“Nhưng hiện nay, khả năng đàm phán, đưa ra yêu cầu tăng lương của công nhân rất thấp, hầu như không có, trong khi người sử dụng lao động lại đưa ra lý do là đã trả mức lương cơ bản cao hơn 7% - 10% lương tối thiểu vùng rồi. Đây thường là căn cứ tiền lương dùng để đóng bảo hiểm cho hầu hết lao động trực tiếp, còn lãnh đạo, quản lý có thể có mức lương khác” – TS Vũ Minh Tiến cho hay.

Tiếp nối câu chuyện về tiền lương tối thiểu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: Việt Nam là một trong những nước thực hiện theo Công ước số 26 của Tổ chức Lao động quốc tế về lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu được xây dựng dựa trên 6 nhóm yếu tố: Nhu cầu sống của NLĐ và gia đình họ; chỉ số giá sinh hoạt; khả năng chi trả của DN; tốc độ tăng trưởng kinh tế; đặc điểm về cung cầu lao động và các chi phí xã hội khác có liên quan đến NLĐ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí đào tạo, chi trả liên quan đến các chính sách về thị trường lao động, DN tái đào tạo) chiếm đến 25 - 30% tổng chi phí liên quan đến NLĐ...

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ LĐTB&XH PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: Chi phí về mức sống thấp là do người lao động không khai báo 25 - 30% chi phí khác và khai chi phí tiền nhà rất thấp. Ảnh: Quang Tấn.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ LĐTB&XH PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng: Chi phí về mức sống thấp là do người lao động không khai báo 25 - 30% chi phí khác và khai chi phí tiền nhà rất thấp. Ảnh: Quang Tấn.

Cách tiếp cận mức lương tối thiểu của Việt Nam trong thời gian qua chưa phải là tối ưu nhưng là phương pháp khá tốt. Và, dựa trên 2 nguồn số liệu rất cơ bản là điều tra mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê và điều tra lao động việc làm. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy, chi phí về mức sống thấp là do NLĐ không khai báo 25 - 30% chi phí khác và họ khai chi phí tiền nhà rất thấp.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng chỉ ra việc, tiếp cận lương tối thiểu tháng của Việt Nam, khi xây dựng chính sách xã hội dựa trên điều kiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên, thực tế việc ký hợp đồng lao động chỉ chiếm khoảng 60% và thực hiện trong nhóm NLĐ thuộc DN nhà nước, FDI.

“Nhưng điều quan trọng là chúng ta chưa xây dựng được luật về lương tối thiểu. Cho nên, mỗi năm cần đợi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp và đề xuất tiền lương tối thiểu và thời điểm điều chỉnh. Trong khi đó, những điều chỉnh chủ yếu tập trung vào chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và chưa đánh giá toàn diện đến tăng lương tối thiểu, tăng chi phí lao động và tương quan cung - cầu lao động” – PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho hay.

 

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam Vũ Minh Tiến cho biết, cách xác định mức sống tối thiểu (MSTT) của Hội đồng Tiền lương quốc gia hiện nay đang dựa trên phương pháp khá cổ điển, được áp dụng từ lâu ở nước ta, đó là: MSTT tháng = [ Chi phí lương thực thực phẩm (LTTP) + Chi phí phi LTTP + Chi phí nhà ở] x 1,7 lần. Trong đó:

+  Chi phí LTTP = Tổng giá trị rổ hàng hoá LTTP bảo đảm mức 2.300 Kcalo/ngày x 30 ngày. Rổ hàng hoá này hiện nay do Tổ kỹ thuật của Hội đồng xác định dựa vào căn cứ mức sống dân cư của nhóm tham chiếu.

+ Chi phí phi LTTP = Chi phí LTTP x 1,08 (cơ cấu là 52% - 48%).

+ Chi phí nhà ở bình quân được tính là 194.000 đồng/tháng (thuê nhà và sửa chữa nhỏ).

+ Thêm 0,7 lần (trong hệ số 1,7) = Chi phí nuôi dưỡng 01 người con bằng 70% chi phí của người lớn.