Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mức thu phí tác quyền: Bao nhiêu cho vừa?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù cho đã điều chỉnh đến lần thứ 6, song Dự thảo bảng biểu giá về mức thu tác quyền mà Cục Bản quyền soạn thảo vẫn chưa làm "vừa lòng" người trong giới. Mức phí ấy nên ở ngưỡng nào thì "vừa", để người sáng tác không cảm thấy bị… thiệt?

Nhà thơ chỉ được 5.000 đồng/phút

Nhìn vào tỷ lệ phân chia của mức giá được đưa ra làm cơ sở thanh toán thù lao 35% (tác giả) - 30% (người biểu diễn) - 35% (nhà sản xuất, ghi hình), phía Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) không nhất trí vì như vậy nhạc sĩ quá thiệt thòi. Dù mức giá được dùng khi các bên liên quan không có sự nhất trí về tác quyền trong việc sử dụng bản ghi âm, chứ không áp dụng cho các sân khấu biểu diễn trực tiếp, song người ta vẫn cho rằng không hợp lý.

Thực tế từ đời sống âm nhạc trong nước mà có người đưa ra lập luận cho vấn đề này không phải không có lý. Ây là nhiều nhạc sĩ tên tuổi luôn muốn thỏa thuận trực tiếp về việc sử dụng bản ghi âm tác phẩm của mình trong những lĩnh vực nặng tính thương mại như clip quảng cáo hay nhạc chờ điện thoại. Mức giá thỏa thuận có thể lên tới vài ngàn USD hoặc vài chục triệu đồng với những ca khúc đang "hot" trên thị trường. Trong khi đó, nếu chiểu theo mức giá trong dự thảo, số tiền nhạc sĩ được hưởng từ một ca khúc dùng làm nhạc chờ điện thoại chỉ tối đa là 3,8 triệu đồng/năm. Nghĩa là 35% của 8.000.000 đồng cho cả "hệ thống" gồm nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất... Hay như trường hợp album "Bộ đội" của ca sĩ Thái Thùy Linh. Nếu "áp" vào khung giá này, vô tình những trang web sử dụng trái phép ca khúc chẳng có gì sai, mà chỉ cần trả cho Linh khoảng 700.000 đồng/1 ca khúc/năm sau khi thoải mái khai thác, không cần hỏi ý kiến.

Cũng theo khung giá này, các ca khúc âm nhạc sẽ có mức giá 5.000 đồng/lượt phát hoặc 1.000.000 - 3.000.000 đồng/năm (nếu làm nhạc hiệu chương trình) trên sóng truyền thanh; 200.000 - 300.000 đồng/lượt phát hoặc 2.000.000 - 5.000.000 đồng/năm (nếu dùng làm nhạc hiệu) trên sóng truyền hình. Đặc biệt, người sử dụng chỉ phải trả 5.000 đồng/phút cho tác giả thơ và 10.000 đồng/ phút cho tác giả văn xuôi. Nghĩa là một bài thơ khi lên sóng "nhà đài" nào đó chỉ mang về cho "mẹ đẻ" của chúng giỏi lắm 15.000 đồng, vì chẳng có bài thơ nào có thời lượng quá nổi 3 phút…

Nhìn ra thế giới

Rõ ràng, đưa ra mức biểu giá làm cơ sở thanh toán tác quyền là việc làm ý nghĩa để thúc đẩy việc thực thi tác quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới, nhất là ở những nước phát triển, mức thù lao tối thiểu của tác giả thường tới 51%. Và như nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết, tất cả các quốc gia tham gia vào Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhạc sĩ thế giới (CISAC) đều thực hiện thông lệ tác quyền theo tỷ lệ 50% (tác giả) - 50% (nhà sản xuất, ghi hình và người biểu diễn). Như vậy, tỷ lệ phân chia 35% cho nhạc sĩ trong dự thảo đã hợp lý trước mong muốn hội nhập nhạc Việt?

Còn một thực tế trong việc thực thi tác quyền ở Việt Nam từ trước tới nay là  việc "dùng trước - trả sau" chỉ áp dụng với các "nhà đài". Còn những chủ khách sạn, quán karaoke, công ty viễn thông... vẫn xin phép và đóng phí theo cách thương lượng trực tiếp với VCPMC. Nay nếu theo Dự thảo, tất cả quy về một mối "dùng trước - trả sau" thì nhạc sĩ và chính những người đang làm nhiệm vụ thu tác quyền sẽ luôn phải chờ vào ý thức và sự công tâm của người dùng sản phẩm. Nhạc sĩ không chỉ thiệt thòi mà nhà quản lý còn khó thực thi công việc… Nên chăng, như ý kiến của một thành viên VCPMC: "Việc thương lượng trực tiếp là hoàn toàn hợp lý vì áp dụng các điều 26 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ?".

Đã qua 6 lần chỉnh sửa, nhưng đến giờ câu chuyện về bảng biểu giá mức thu tác quyền vẫn "hạ hồi phân giải". Xem ra, việc thu thế nào, bao nhiêu cho xứng đáng với công sức người sáng tác, hợp với quy luật thị trường và hợp cả với mong muốn hội nhập thế giới vẫn là cả một vấn đề nan giải.