Chiều 29/6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà – Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,1% dân số
Báo cáo kết quả thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm, Giám đốc BHXH Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, số người tham gia BHYT là 7.735.829 người, tăng 3,39% tương đương tăng 253.336 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 18.720 người, tăng 0,24% so với 31/12/2022. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,1% dân số.
3 đơn vị có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao nhất: Huyện Thạch Thất 99,9%; huyện Phú Xuyên 99,9%, huyện Mê Linh 99,9%.
Số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.988.714 người, tăng 5,48% tương đương tăng 103.355 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 5.952 người, tăng 0,30% so với 31/12/2022; chiếm 42% lực lượng lao động trong độ tuổi.
3 đơn vị có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao nhất: Hoàng Mai 96,8%, Ba Đình 96,0%, Thạch Thất 95,7%.
Số người tham gia BHXH tự nguyện 76.759 người, tăng 19,97% tương đương tăng 12.775 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 1.744 người, tăng 2,32% so với 31/12/2022; chiếm 1,75% lực lượng lao động trong độ.
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 1.921.859 người, tăng 5,59% tương đương tăng 101.754 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 5.652 người, tăng 0,29% so với 31/12/2022; chiếm 38,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, năm 2022, Ngân sách TP đã hỗ trợ 44.635 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 8,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân sách TP đã hỗ trợ 52.865 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền 10,7 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, 5 quận, huyện đã hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện từ Ngân sách địa phương (Quỹ Vì người nghèo). Tổng số người đã được hỗ trợ là 1.409 người với số tiền hỗ trợ 1,9 tỷ đồng.
Về số thu, tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, đến nay, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 28.481 tỷ đồng, tăng 3.680 tỷ đồng (tăng 14,8%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 47% kế hoạch.
Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT là 5.253,2 tỷ đồng, chiếm 8,17% tổng số phải thu (giảm 0,37% so với cùng kỳ năm 2022). Số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 1.752,5 tỷ đồng, chiếm 2,73% tổng số phải thu (giảm 0,64% so với cùng kỳ năm 2022).
Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH đảm bảo kịp thời. Đến nay đã giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho 291.119 lượt người/người. Số tiền đã chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng là 18.953 tỷ đồng của 581.679 người thụ hưởng.
Hiện nay, BHXH Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với 187 cơ sở KCB với 611 điểm kết nối liên thông dữ liệu để thực hiện khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Số lượt KCB BHYT là 5.881.747 lượt. Chi phí KCB BHYT là hơn 10.342 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, BHXH TP phối hợp với Thanh tra TP, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã… đã tiến hành 1.801 cuộc thanh kiểm tra. Thông qua công tác thanh kiểm tra, các đơn vị đã nộp để khắc phục nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN là 178,6 tỷ đồng (đạt 79,6 %).
Qua công tác thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra liên ngành, BHXH TP, các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã phát hiện, xử phạt và kiến nghị UBND TP xử phạt hành chính hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN theo thẩm quyền đối với 36 đơn vị đóng trên địa bàn, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 3.590.936.187 đồng.
Tính đến nay BHXH TP và Sở LĐTB&XH đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra đối với 7 đơn vị với tổng số tiền chậm đóng tại thời điểm kiến nghị khởi tố là hơn 118 tỷ đồng. Đến nay đã có 5 đơn vị đã khắc phục một phần với tổng số tiền là hơn 13 tỷ đồng.
Cần vào cuộc quyết liệt hơn những tháng cuối năm
Tại hội nghị, Đội trưởng Đội 6, phòng PC03, Công An TP Hà Nội Hoàng Thu Hương cho biết, việc đưa ra khởi tố vụ án đối với các tội danh mới liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN còn gặp nhiều khó khăn. Trên toàn quốc chưa có địa phương nào khởi tố tội danh theo điều 216 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Căn cứ những khó khăn vướng mắc, Công an TP Hà Nội kiến nghị Cơ quan BHXH đề xuất sửa các quy định hiện hành cùng những văn bản hướng dẫn có liên quan đến việc tách số tiền nợ BHXH trốn đóng BHXH trước và sau 1/1/2018 để cơ quan điều tra có cơ sở xác định số tiền trốn đóng BHXH của DN để từ đó, định tội danh theo điều 216 Bộ Luật hình sự 2015.
Công an TP cũng đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành nghị quyết hoặc liên ngành tư pháp Trung ương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể việc xác định hành vi “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” của người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động để không đóng hoặc không đóng đầy đủ.
Cùng với đó, Công an TP cũng kiến nghị với BHXH Việt Nam đề xuất với Chính phủ cần quy định rõ hơn tại Điều 38 của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP về hình thức phạt tiền. Ngoài ra, đơn vị cũng kiến nghị cơ quan BHXH thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn giám định hành vi trốn đóng và số tiền trốn đóng BHXH.
Nêu kiến nghị tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đề xuất, từ ngày 1/7, thực hiện tăng lương cơ sở, đề nghị BHXH TP hướng dẫn sớm cho các cơ sở y tế về vấn đề chế độ chính sách bảo hiểm, khám bệnh khi tăng lương thế nào?
Trong thực hiện VSSID, các cơ sở y tế đã triển khai rất tích cực nhưng còn nhiều vướng mắc, do không thống nhất thông tin, sai lệch thông tin… Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng nêu rõ, hiện nay còn nhiều tồn tại về việc thanh quyết toán từ trước đến nay, từ bất cập vấn đề theo quy định KCB của Bộ Y tế, cơ sở y tế, chế độ chính sách…
Do đó, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị cần cải cách hành chính, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để thực hiện tốt nội dung này.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời chia sẻ khó khăn với các sở, ngành, đơn vị chức năng, các địa phương trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT những tháng đầu năm nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, việc thực hiện tốt các chính sách này góp phần ổn định, nâng cao mức sống, bảo đảm an sinh cho người dân ở Thủ đô, nên cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm.
Trên cơ sở của TP đã ban hành, căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các địa phương rà soát lại chỉ tiêu các nhiệm vụ với từng nhóm đối tượng. Từ đó, chỉ đạo triển khai chi tiết cụ thể để xây dựng quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
“Mục tiêu cuối cùng là hoàn thành chỉ tiêu, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người dân” – Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Đối với Ban chỉ đạo của TP đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, chuẩn bị nội dung BHXH phối hợp với các sở, ngành… tập trung trong quý III; tổng thể các nội dung tuyên truyền về quyền lợi của người dân, các hành vi trục lợi chính sách…
“Trong 6 tháng cuối năm, cụ thể trong 4 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo của TP sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các địa phương về việc thực hiện kế hoạch các công việc, nội dung liên quan đến BHXH, BHYT. TP sẽ lựa chọn kiểm tra sâu những đơn vị có kết quả chưa cao để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu chung của TP” - Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần tham mưu cho TP các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đồng thời xác định một số chuyên đề sâu, phân tích dữ liệu sâu và có các giải pháp trên nguyên tắc là thực hiện đúng các quy định, bảo vệ quyền lợi cho người dân nhưng tránh việc trục lợi, sai phạm.
Về tình trạng chậm đóng BHXH, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các bên liên quan đôn đốc thu bằng nhiều giải pháp, trọng tâm là tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị, DN có dấu hiệu vi phạm. Về BHYT, các bên tiếp tục chủ động kiểm soát chi phí KCB bằng cách theo dõi tình hình sử dụng quỹ KCB tại từng cơ sở; phân tích dữ liệu để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm...