Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số vào 2025

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), mục tiêu đến 2025 đào tạo được 1.000 chuyên gia chuyển đổi số để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc.

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
 Mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số vào 2025. Ảnh minh họa
Theo đó, dự thảo đặt mục tiêu đến 2025 đào tạo được 1.000 chuyên gia chuyển đổi số để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 80% các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư xây dựng được Mạng lưới chuyển đổi số đến cấp xã; 10.000 lượt cán bộ tại các cơ quan nhà nước được đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số; tuyển sinh, đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số…

Mục tiêu đến 2030 là 15.000 lượt cán bộ tại các cơ quan nhà nước được đào tạo ngắn hạn chuyển đổi số; 100% các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư xây dựng được Mạng lưới chuyển đổi số đến cấp xã; tuyển sinh, đào tạo được 10.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số…

Dự thảo cũng nêu rõ một số nhiệm vụ quan trọng như đẩy mạnh đào tạo các chuyên ngành về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể, mở các chuyên ngành mới và tăng chỉ tiêu đào tạo kỹ sư, cử nhân trong các trường đại học, cao đẳng và kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật về:
Công nghệ số (như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, công nghệ mạng thế hệ mới, tự động hoá, robot thông minh, khoa học dữ liệu;…).

Kỹ thuật ứng dụng công nghệ số; đổi mới chương trình đào tạo, tăng thêm các học phần, tín chỉ về kỹ năng số, sử dụng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ số.

Kinh tế số (như quản trị số, kinh doanh số, giao dịch số, tài chính số, ngân hàng số, dịch vụ trực tuyến, phân tích dữ liệu số, …); Đổi mới chương trình đào tạo, tăng thêm các học phần, tín chỉ về kỹ năng số, sử dụng công nghệ thông tin và kinh doanh số.

Xã hội số (như quản trị xã hội số, truyền thông số,…); đổi mới chương trình đào tạo các ngành về quản trị, xã hội theo hướng tăng thêm các học phần, tín chỉ về kỹ năng số, sử dụng công nghệ thông tin và xã hội số.

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, dự thảo Đề án đưa ra 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất là nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đào tạo và sử dụng nhân lực chuyển đổi số, công nghệ số.
Các giải pháp thuộc nhóm này tập trung giải quyết một số vấn đề về đảm bảo chất lượng đào tạo đội ngũ chuyên gia chuyển đổi số, thu hút các chuyên gia giỏi về chuyển đổi số làm việc trong các cơ quan nhà nước;

Thứ hai, nhóm giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực chuyển đổi số gồm các giải pháp giải quyết các vấn đề về tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi số;

Thứ ba là nhóm giải pháp về cơ chế tài chính và kinh phí triển khai Đề án, trong đó phân định trách nhiệm của Trung ương, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc bố trí kinh phí triển khai Đề án.