Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là nhất quán

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 với những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra đối với các bộ, ngành, địa phương.

Mục tiêu đặt ra trong năm 2018, tăng trưởng GDP trong công nghiệp đạt 7,3 - 7,65%; tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 tỷ USD; Bộ Xây dựng được giao tăng GDP xây dựng đạt mức 9,21%.
 May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Thanh Hải
Giải pháp là thị trường

Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018, tổng hợp tình hình và năng lực sản xuất các ngành, lĩnh vực theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, dự báo một số diễn biến kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đã triển khai xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018. Kịch bản 1 tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,7% theo Nghị quyết của Quốc hội; Kịch bản 2 được xây dựng với mức tăng trưởng GDP đạt 6,8%.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, dù quý I/2018, kết quả đạt được là đáng phấn khởi, nhưng không thể chủ quan. "6 tháng cuối năm nay, tăng trưởng sẽ chậm lại. Tuy vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là nhất quán” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với một nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP như Việt Nam thì tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có một sự cố từ bên ngoài. "Giải pháp tốt nhất với chúng ta là thị trường, đồng thời sẵn sàng chủ động ứng phó với sự cố. Sản xuất ra nhiều mà không xuất khẩu được là chết" - ông Cường nhấn mạnh.

Mong được hỗ trợ chính sách, đối thoại nhiều hơn

"Năm 2018 mục tiêu ngành dệt may tăng trên dưới 10%, kim ngạch xuất khẩu đạt 34 - 34,5 tỷ USD" - Phó Chủ tịch kiêm Tổng ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩn cho hay. Hiện nay, các DN dệt may chủ yếu là gia công, đầu tư nước ngoài vào ngành cũng rất lớn, đạt trên 15,5 tỷ USD, chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, sự gắn kết giữa DN trong nước và đầu tư nước ngoài chưa cao. Sắp tới, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực thì vấn đề xuất xứ rất khó. Ông Cẩn cho biết, ngành dệt may có điểm nghẽn khâu dệt nhuộm, do địa phương lo ngại vấn đề môi trường.

Cũng theo ông Cẩn, dù Nhà nước tháo gỡ rất nhiều cho ngành dệt may, tuy nhiên còn khó khăn cho DN. Hiệp hội đã tổng hợp rất nhiều kiến nghị của DN liên quan đến phí, thuế, hải quan. “Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến nhưng chúng tôi đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu để xem xét, sửa đổi” - ông Cẩn kiến nghị. Hay như vấn đề kiểm tra chuyên ngành bông nhập khẩu, hiện thời gian kiểm tra chiếm tới 70% thời gian thông quan. Trong điều kiện áp lực cạnh tranh như hiện nay, DN phải gánh những chi phí đó đã làm khả năng cạnh tranh xuống thấp.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị được đối thoại nhiều hơn, hỗ trợ về chính sách. Ví như cá tra và cá da trơn là 2 nhóm hàng trong câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn trong chống bán phá giá. Do đó, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Công Thương tiếp tục đồng hành hỗ trợ cùng với Hiệp hội giải quyết các bất cập. Nói về bất cập trong cải cách hành chính, đại diện VASEP cho hay, Chỉ thị 20 của Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN ban hành tháng 5/2017 nhưng đến tháng 12/2017, qua rà soát lại, mỗi DN trong ngành vẫn đang bị ít nhất 6 - 8 đợt kiểm tra.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc các nhân tố tạo sự tăng trưởng, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, diễn biến các sản phẩm chủ lực để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp. Đồng thời thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, đơn giản hóa về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.
Năm 2018, kế hoạch đặt ra tăng trưởng là 7,3 - 7,8%. Với những kết quả khả quan của quý I/2018, TP Hà Nội dự kiến tăng trưởng sẽ đạt kế hoạch và cố gắng đạt trên mức 7,4%. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh hỗ trợ DN, tăng cường thu hút nguồn lực bên ngoài.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản
Hiện nay là thời điểm tận dụng cơ hội để tập trung cải cách, tăng cường nền tảng để phát triển lâu dài, nâng sức chống chịu của nền kinh tế với cú sốc bên ngoài. Đồng thời, cần tìm ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trong đó, nông nghiệp có thể là một động lực của tăng trưởng nếu phát triển được công nghiệp chế biến.

Ông Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng