Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mục tiêu xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD không khó nhưng phải bền vững

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4,18 tỷ USD, dự kiến trong năm 2024 xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD. Tuy nhiên, để duy trì bền vững của việc xuất khẩu cà phê cần phải đổi mới cách làm, thay đổi tư duy.

Chiều ngày 30/3, đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD”. Hội thảo lần này đã đưa ra những giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu cà phê bền vững, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Theo đó, ngoài việc tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến sâu, tăng cường xúc tiến thương mại, còn phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng thương hiệu lớn mạnh cho cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD". Ảnh: Huy Chương
Hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD". Ảnh: Huy Chương

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho rằng: “Niên vụ 2022-2023 và đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng một phần nhờ giá bán cao kỷ lục, chạm mốc 100.000 đồng/kg trong những ngày gần đây. 

Trước đó, một thời gian dài không vượt được ngưỡng 50.000 đồng/kg, nhiều người đã chặt cà phê để trồng cây khác. Bước qua 2024, giá cà phê tăng gấp đôi, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn mới mua được cà phê xuất khẩu.

Cũng theo ông Nam, với diễn biến hiện tại, mục tiêu xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD là không khó do giá cà phê trên thế giới tăng cao. Cũng trong làn sóng giá cà phê tăng cao hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ. Nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài đã cảnh báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam, nếu không giao hàng đúng hạn thì họ tìm nguồn cung từ các nước khác.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) Hà Nam. 
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) Hà Nam. 

"Để thay thế hương vị cà phê của Việt Nam đến người tiêu dùng châu Âu là điều không dễ, phải mất nhiều năm người sử dụng cà phê mới thay đổi được khẩu vị. Do đó, tiềm năng từ hạt cà phê Việt Nam hiện rất lớn, các doanh nghiệp lớn trong ngành hàng cà phê ở các nước đều đã có mặt tại Việt Nam. Vai trò của cà phê Việt Nam là không thể thay thế nhưng cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững", ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh thêm.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, ngành hàng cà phê của chúng ta có lớn mạnh về nhiều mặt. Trong những năm qua, chất lượng cà phê Việt Nam đã được nâng cao, nhưng so với nhiều quốc gia trên thế giới, chất lượng xuất khẩu vẫn còn thấp hơn vì nhiều nguyên nhân.

Do đó, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.

"Về câu chuyện sản xuất, đây là nền tảng rất quan trọng tạo dựng chất lượng thương hiệu cà phê. Nông sản nói chung của Việt Nam, kể cả cà phê cũng chưa chú trọng nhiều tới chất lượng, tiêu chí để đánh giá, kể cả những quy định bắt buộc đối với người sản xuất phải bắt buộc, mà vì lợi ích chung của một quốc gia, vùng chỉ dẫn địa lý thì phải tuân thủ các yêu cầu, tiêu chí, điều kiện… và nhà nước vào phải cuộc, có cơ chế kiểm soát, dần dần, xây dựng ý kiến của người sản xuất trong bảo đảm tiêu chí, điều kiện", ông Nguyễn Hoài Dương lưu ý.

Chuyên gia phân tích thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình nhận định, với giá hiện nay, không cần bàn giải pháp gì nữa ngành cà phê cũng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD.

Theo Bộ NN&NPTT, đến hết tháng 3/2024, xuất khẩu cà phê đạt gần 799.000 tấn, đạt tổng kim ngạch 1,9 tỷ USD. Với giá xuất khẩu hiện nay từ 3.500-4.000 USD/tấn, nếu duy trì mức giá như hiện nay, cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD.

Lễ hội cà phê được tổ chức từ 30-31/3 tại thành phố Thủ Đức. Ảnh: Huy Chương
Lễ hội cà phê được tổ chức từ 30-31/3 tại thành phố Thủ Đức. Ảnh: Huy Chương

Ông Gruber Alexander Lukas - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, đại diện thương hiệu Alambe' Finest Vietnamese Coffee chia sẻ: "Làm sao Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD? Theo tôi, giải pháp chính hãy cá nhân hóa các sản phẩm cà phê".

Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn cà phê, giá rẻ. Do đó, cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn… để xuất khẩu cà phê có giá trị gia tăng.