Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mức trần lãi suất 20% có khả thi?

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Từ 1/1/2017, mức trần lãi suất tối đa với khoản vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Cần làm rõ đối tượng điều chỉnh
Bộ Luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 tới đây quy định mức trần lãi suất tối đa với khoản vay theo thoả thuận. Cụ thể, khoản 1 Điều 468 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Có một vấn đề chưa được làm sáng tỏ là quy định này áp dụng cho những đối tượng cụ thể nào và các tổ chức tín dụng hiện hoạt động theo Luật tổ chức Ngân hàng có nằm trong phạm vi này không?
Cho đến thời điểm này cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đển việc thực hiện các quy định được nêu tại Bộ luật Dân sự 2015. Liệu mức trần này có áp dụng đối với mọi loại hình cho vay, kể cả vay tiêu dùng - vốn đang áp mức lãi suất khá cao so với hệ thống ngân hàng?
 Ảnh minh họa

Trước đây, Bộ luật Dân sự 2005 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng không áp dụng quy định này mà theo quy định riêng của ngành Ngân hàng, tức theo thỏa thuận riêng giữa ngân hàng và khách hàng theo Luật Các TCTD.
Mức trần lãi suất - cho dù đến năm 2017 mới áp dụng - đã ít nhiều gây băn khoăn cho giới ngân hàng. Theo phó tổng giám đốc của một ngân hàng, mức 20%/năm nếu áp dụng đối với lãi suất vay tiêu dùng sẽ thực sự gây khó khăn cho ngân hàng và công ty tài chính. Tùy từng đối tượng khách hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay có thể lên đến 26 - 27%/năm, và của công ty tài chính lên đến 45 - 65%/năm.
“Vấn đề nằm ở điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Muốn làm rõ nghĩa mệnh đề này, theo tôi, cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành sao cho phù hợp và không trái với Bộ Luật Dân sự”, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng bày tỏ.
“Nếu trần lãi suất áp dụng chung cho cả đối tượng là các TCTD thì sẽ tác động rất lớn đến thị trường tài chính, nhất là đối với các công ty cho vay tiêu dùng, bởi lãi suất của họ phải ở mức cao hơn hệ thống ngân hàng thương mại, như vậy mới đủ bù đắp rủi ro. Vì vậy theo tôi hiểu, quy định trần lãi suất tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 chỉ áp dụng đối với các khoản vay dân sự bên ngoài hệ thống các TCTD”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nêu quan điểm.
Áp trần lãi suất cả người dân và ngân hàng đều thiệt?
Trên thực tế, vấn đề khống chế trần lãi vay đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều, như: có nên áp trần lãi vay, mức lãi suất nào là phù hợp, vừa sức chịu đựng của người vay, vừa đảm bảo chi phí vốn và quan trọng hơn cả đối tượng cụ thể nào phải áp dụng luật này… Một số ý kiến cho rằng nếu duy trì trần lãi suất sẽ hạn chế khả năng hoạt động của các ngân hàng, trong khi Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rất rõ về việc này.
Không chỉ các nước phát triển mà ngay cả các nước đang phát triển cũng đang dần hướng đến tự do hóa các chính sách tài chính và hạn chế can thiệp biện pháp hành chính vào thị trường cũng như gỡ bỏ việc sử dụng trần lãi suất.
Theo các chuyên gia, rất khó để có thể áp dụng một mức trần lãi suất hợp lý. Nếu áp trần quá thấp, người tiêu dùng sẽ bị loại ra khỏi hệ thống cấp tín dụng và không thể đáp ứng được các nhu cầu mua sắm cần thiết. Trong trường hợp đó, người tiêu dùng buộc phải chuyển sang thị trường tín dụng đen dù lãi suất cao, và điều này sẽ càng làm tình hình trở nên khó kiểm soát.

“Tại sao không nghĩ rằng, khi thị trường được tự do thì doanh nghiệp và người dân sẽ dễ tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng hơn? Và khi tiếp cận vốn ngân hàng một cách dễ dàng thì họ đâu cần thiết phải đi vay vốn phi chính thức nữa! Chúng ta không nên đặt ra một cái mốc để bắt cả hệ thống ngân hàng phải làm theo, trong khi diễn biến thực tế thì biết rằng không thể như thế”, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN bình luận.
Kinh nghiệm từ ở một số thị trường quốc tế cho thấy, sự thiếu hiệu quả của công cụ trần lãi suất. Kết quả nghiên cứu của World Bank trên 76 nước đã minh chứng, không chỉ riêng các nước phát triển mà ngay các nước đang phát triển cũng đang hướng tới tự do hóa các chính sách tài chính và gỡ bỏ việc sử dụng trần lãi suất.
Dù đồng ý hay không đồng ý với phương án áp trần lãi suất thì hầu hết giới chuyên gia đều thừa nhận rằng, cần phải để thị trường vận hành theo kinh tế thị trường và nếu áp một mức trần lãi suất không phù hợp sẽ dẫn tới “bóp méo” thị trường.
Chống cho vay nặng lãi: Cần song hành lộ trình tự do hóa lãi suất
Ngay từ thời điểm góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự 2015 vào cuối năm ngoái, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm này. TS.Trần Du Lịch phát biểu: “Chúng ta nên tham khảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự của một số nước. Cần xem xét động cơ bóp chẹt, ép buộc người vay trong một số tình thế để trục lợi thì mới định ra được giải pháp xử lý, không thể nào chỉ vì chống tín dụng đen mà bóp méo thị trường. Cũng theo ông Lịch, cần phải hiểu rằng, các ngân hàng, CTTC không cho vay nặng lãi, vì tất cả đều phải minh bạch, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Mục tiêu chúng ta hướng tới là trị nhóm cho vay nặng lãi, thì nên tìm hướng khác, không nên áp trần lãi suất đối với các TCTD trong Bộ luật Dân sự.
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm khi cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất tại Bộ luật Dân sự đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD là không cần thiết và bất hợp lý. Điều này có thể hiểu là một sự can thiệp lãi suất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, CTTC bằng biện pháp hành chính. Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO.