Trong những năm gần đây, xu hướng cắt ngắn kì nghỉ Tết để trở lại với cuộc sống thường nhật ngày càng phổ biến với cư dân Thủ đô và cả những người tỉnh lẻ đang sinh sống tại đây. Có lẽ vì thế, đường phố đã bớt vắng vẻ hơn trong những ngày Tết, hàng quán mở cửa sớm hơn và những chuyến xe lỉnh kỉnh đồ đạc từ những tỉnh xa trở về Hà Nội cũng xuất hiện sớm hơn. Tất cả đều cùng làm nên cái “cựa mình” rất đặc trưng của đường phố Hà Nội trong những ngày đầu xuân Canh Tý 2020 này.
Không khí Tết trên những cung đường
10h sáng mùng 3 Tết (tức 27/1), QL1A nối từ Cầu Giẽ về bến xe Nước Ngầm không còn vắng vẻ như hai ngày trước đó. Những dòng người đổ ra đường đi chúc Tết, đi chơi Tết và đi du xuân khiến cho con đường huyết mạch nối liền các tỉnh lân cận với cửa ngõ phía Nam của Thủ đô thêm phần náo nhiệt, đông vui. Ai nấy cũng đều diện cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, nở những nụ cười rạng rỡ nhất mới một niềm tin chắc chắn rằng, nụ cười trong ngày đầu xuân sẽ mang đến những niềm vui bất tận cho cả năm phía trước.
Chen giữa những đoàn người du xuân ấy, không khó nhận ra những chuyến xe chạy vội lao đi vun vút trên đường. Đó là những chuyến xe chở hàng hóa, thực phẩm ra chợ bán của những tiểu thương ven đô; những cuốc xe “mở hàng” đầu tiên trong năm mới của những tài xế xe ôm công nghệ; và, đâu đó còn có cả những chuyến xe chở cả một gia đình nhỏ rời quê lên Hà Nội sớm để bắt đầu cho cuộc mưu sinh mới…
Tất cả họ, dù ai cũng tất bật, cũng vội vàng, cũng ngập ngụa trong hàng mớ va li, đồ đạc lỉnh kỉnh bên mình song trên mặt ai nấy cũng lộ rõ sự thoải mái, hài lòng. Có lẽ với họ, kỳ nghỉ Tết như thế đã đủ đầy, giờ là lúc trở lại với cuộc sống thường ngày, với những toan lo, những kế hoạch cần làm trong năm mới.
Bắt đầu đến đường Giải Phóng, không khí Tết trở nên sôi động hơn khi hai bên đường, các hàng quán đã hoạt động trở lại khá nhiều. Phần lớn trong số này là các quán nhậu và quán ăn bình dân như bún, phở, đồ ăn nhanh… nhằm phục vụ nhu cầu cho những người thích thay đổi không khí bữa ăn ngày Tết. Thay vì những món giàu đạm và chất béo như thịt gà, bánh chưng, giò chả… mọi người có thể tìm đến những quán ăn ngoài đường phố để “đổi gió” và làm mới hương vị ngày Tết.
Đây cũng là xu hướng dần phổ biến ở Hà Nội trong những năm gần đây. Dù giá cả có bị đẩy lên cao hơn so với ngày thường nhưng những quán ăn đường phố vẫn luôn rất đông khách. Cảnh người ngồi trước bát bún, tô phở nóng bốc khói nghi ngút, tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa xen lẫn mùi thơm của thức ăn tỏa ra đường càng làm cho không khí ngày Tết Thủ đô thêm phần đặt biệt.
Những người âm thầm làm đẹp đường phố Thủ đô
Đi qua các cung đường Hà Nội vào những ngày đầu năm mới này, có lẽ người chúng ta dễ dàng và thường xuyên bắt gặp nhất chính là những công nhân vệ sinh môi trường. Có thể nói, trừ những cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ xuyên Tết thì những công nhân vệ sinh môi trường chính là những người ra đường sớm nhất. Chính nhờ sự có mặt của họ, đường phố Hà Nội mới luôn được giữ sạch sẽ, gọn gàng trong những ngày Tết.
Trên đường Tố Hữu, đoạn gần nút giao Tố Hữu – Tỉnh lộ 70, đã qua ngày mùng 3 Tết nhưng dư âm của phiên chợ cây cảnh trước Tết vẫn còn vô cùng đậm nét. Hai bên đường, những cành đào, cây quất bị bỏ lại vô tội vạ tạo ra một khung cảnh ngổn ngang, chướng mắt. Những vệt dài rác thải tạo ra từ lá cây, cành cây và cả hàng tá những trái quất bị quăng quật dưới đường, tất cả quện vào nhau trong một thứ mùi hôi nồng vô cùng khó chịu.
Chợ hoa, cây cảnh Tết này đã xuất hiện ở đường Tố Hữu nhiều năm nay, và điều kì lạ là năm nào cũng có tình trạng đó. Trong khi nhà nhà, người người ở Thủ đô dọn dẹp tư gia sạch sẽ để chào đón năm mới thì những người bán đào, bán quất ở chợ hoa, cây cảnh này luôn có một cách đặc biệt chào đón thời khắc giao thừa, đó là quăng quật bừa bãi những sản phẩm ế thừa của mình ra đường. Thậm chí, có người còn cố tình vặt quả, bẻ cành ném khắp nơi như để chắc chắn rằng, những cành đào, cây quất mình bỏ lại sẽ không có ai mang về sử dụng được nữa. Đó là một các hành xử vô cùng kỳ quặc và thiếu văn minh.
Hệ quả là, sau mỗi kỳ phiên chợ đó, tất cả công tác dọn dẹp đều đến tay những công nhân vệ sinh môi trường. Trưa mùng 3 Tết, trong khi mọi người đang hối hả đi chơi Tết, du xuân thì gần chục cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường tại đây vẫn đang phải miệt mài quét dọn, lau chùi từng chút một trên con phố Tố Hữu vốn khang trang, sạch đẹp.
Một chiếc xe thu gom rác thải được điều tới, ai nấy đều gấp rút bắt tay vào công việc của mình. Bởi họ hiểu, nếu không đẩy nhanh tiến độ, có lẽ đến tận tối khuya, tuyến đường đầy rác này vẫn không thể dọn sạch được. Giá như, những người bán đào, bán quất kia ý thức hơn một chút, chắc hẳn những công nhân vệ sinh môi trường ở đây sẽ có thêm thời gian về chung vui Tết với người thân, gia đình.
Một trong những khung cảnh ấn tượng nhất trên đường phố Hà Nội vào ngày mùng 3 Tết, có lẽ chính là cảnh một cụ ông đầu tóc bạc phơ, vận bộ đồ rất lịch sự, thảnh thơi đạp xe trên đường Giải Phóng. Ngay phía trước xe đạp của cụ, là một xe thu gom rác đầy ú ụ, đang được một nữ công nhân môi trường đẩy đi một cách nặng nhọc. Khung cảnh xung quanh thật trong lành, thật sạch sẽ và cũng thật yên bình. Tất cả khung cảnh ấy đã nói lên tất cả, đường phố Hà Nội đã “cựa mình” để chuẩn bị bước vào những ngày làm việc đầu tiên trong năm mới Canh Tý 2020.
Rác thải tràn ngập sau đêm Giao thừa tại chợ hoa, cây cảnh trên đường Tố Hữu đã diễn ra trong nhiều năm qua (Ảnh: Nguyễn Quý) |
Năm mới bao giờ cũng mang đến nhiều ước mơ, nhiều kỳ vọng. Và, một trong những kì vọng lớn nhất trên những cung đường, góc phố của Thủ đô vào những ngày đầu xuân này, chính là mỗi người trong chúng ta, quan tâm hơn một chút, ý thức hơn một chút và chung tay góp sức một chút để xây dựng văn hóa giao thông, gìn giữ môi trường đường phố. Có như thế, đường Hà Nội mới sạch, phố Hà Nội mới xanh và những công nhân môi trường mới có thêm thời gian ở bên người thân, gia đình trong những ngày đầu xuân, năm mới.