Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Hôm Đức Viên, Thành Công, Kim Liên Ngã Tư Sở... sức mua chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thịt bò, thủy hải sản. Giá bán trong những ngày Tết cao hơn so với dịp sát Tết khoảng 10% và cao hơn so với ngày thường khoảng 30 - 50%.
Cụ thể, giá thịt lợn mông sấn 170.000 - 200.000 đồng/kg, thịt lợn thăn 200.000 - 250.000 đồng/kg, thịt bò thăn loại I từ 280.000 - 350.000 đồng/kg; giá gà ta lông 120.000 - 150.000 đồng/kg; giá tôm sú (loại 26 - 30 con/kg): 500.000 - 600.000 đồng/kg, cá trắm: 100.000 - 120.000đồng/kg.
Riêng các mặt hàng thực phẩm chế biến khá ổn định không có tình trạng tăng giá đột biến, hiện giò lụa 170.000 - 180.000 đồng/kg; giò bò 280.000 - 330.000 đồng/kg; lạp xưởng: 180.000 - 190.000 đồng/kg.
Tương tự các loại, rau, củ, quả, trái cây mặc dù nguồn cung về hệ thống chợ truyền thống mặc dù đã nhiều hơn và giá bán ổn định hơn so với mùng 3, tuy nhiên do thời tiết mưa rét nên vẫn ở mức cao so với ngày.
Tại chợ Châu Long, Thành Công rau bắp cải được bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg, su hào: 8.000 - 10.000 đồng/củ, xà lách: 15.000 - 20.000 đồng/kg, khoai tây: 12.000 - 20.000 đồng/kg, súp lơ: 12.000 - 20.000 đồng/cây, rau muốn 20.000 - 25.000 đồng/mớ...
Lý giải nguyên nhân tăng giá mạnh, một số tiểu thương cho biết do nhu cầu liên hoan tân niên nên các loại nấm, rau xanh thường rất đắt khách vào dịp này, trong khi đó các cửa hàng vẫn chưa mở cửa nhiều nên người tiêu dùng phải mua đắt hơn gấp đôi. Các loại rau trước Tết được mua nhiều như bắp cải, su hào, cà chua... tăng giá ít hơn, chỉ khoảng 30 - 50%.
Chị Nguyễn Thu Hường, một tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ Kim Liên cho biết, do thời tiết rét và mưa lớn trong các ngày 24, 25/1 (ngày 30 và mùng 1 Tết Nguyên đán) vừa qua nên nguồn cung khan hiếm, giá rau củ quả bán Tết tăng khoảng gấp đôi so với những ngày thường.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vĩ Thị Hậu: Tết Nguyên đán năm nay, việc một số siêu thị như AeonMall, Circle K mở cửa xuyên Tết hoặc khai trương sớm, từ sáng mùng 2 Tết (27/1) như Big C, Saigon Co.op nên đã góp phần ổn định giá cả thị trường thực phẩm thị trường.
Còn Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga dự báo: Trong ngày mùng 5 Tết, tại các địa phương có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa sẽ hoạt động trở lại, lượng hàng sẽ nhiều hơn, các mặt hàng cũng sẽ đa dạng hơn.
Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản, giá các mặt hàng này sẽ ở mức tương đương với trước Tết, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
“Từ mùng 6 Tết, khi mọi người trở lại kinh doanh thì nguồn cung thực phẩm dồi dào, giá cả sẽ giảm dần nhưng phải sau Rằm tháng Giêng mới có thể ổn định” bà Lê Việt Nga dự báo.