Mừng thọ cho mẹ

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay nhà chị làm lễ mừng thọ cho mẹ. Ai cũng nhất trí về điều này. Tuy nhiên, như thường lệ, chị lại vừa là người tổ chức, vừa thực hiện từ điều lớn cho đến điều nhỏ nhặt nhất. Tất cả chỉ vì muốn mẹ mình vui...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mọi năm ở miền quê miền Trung, cứ dịp Tết đến, Xuân về là thôn làng tổ chức mừng thọ cho các cụ. Chị dù ở xa quê nhưng cũng đã có dịp được dự lễ mừng thọ do thôn tổ chức cho các tuổi 70, 75, 80… Cụ cao tuổi nhất đã 100, 1 cụ 95 tuổi, 6 cụ 85 tuổi; còn lại là các cụ 80, 75, 70. Khá đông người dân tham dự lễ.
Lễ tổ chức thật đơn giản nhưng ấm cúng. Buổi lễ bắt đầu bằng hồi trống dài do một cụ 85 tuổi thực hiện, đến tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, rồi đại diện chính quyền, Hội Người cao tuổi đọc diễn văn mừng thọ và trao giấy và quà chúc mừng… Cảm động nhất là cụ bà 100 tuổi được cháu bồng lên lễ đài, theo sau hỗ trợ là con rể đã 85 tuổi. Vui nhất là dàn gần chục cụ 70 tuổi bước lên nhận quà được mọi người trầm trồ: Trẻ quá, mới đó đã 70… Thật vậy, nhiều cụ 70, tuổi trước kia gọi là “tuổi xưa nay hiếm” trông vẫn trẻ trung, lưng thẳng, tóc đen, hầu hết trong số họ vẫn chăm lo đồng áng, vườn tược như hồi trung niên. Vui vì tuổi thực sự đã cao nhưng vẫn khỏe mạnh, người ta nói sống thọ phải đi đôi với sống khỏe là vậy. Sau lễ có nhà mở tiệc mừng thọ, có nhà không. Một cụ nói: “Mình khao thọ là phải mời hàng xóm, làm phiền họ không nên. Hết mừng thọ, rồi đám cưới, đám ma, thôi nôi…, ai mà chịu nổi”.
Ngày càng nhiều người sống thọ là điều đáng mừng, nhất là tuổi cao nhưng sống vẫn khỏe mạnh. Việc con cháu khắp nơi về mừng thọ bố mẹ, ông bà cũng là điều tốt, vì con cháu phải có hiếu với ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, mừng thọ cần lấy trang trọng, ấm cúng làm đầu, không cần thiết phải linh đình đến nỗi người được mừng cũng mệt, người đi mừng cũng vất vả. Mẹ chị khi biết con cháu sẽ làm lễ mừng thọ dịp Tết này cũng nói trước: “Hiện chúng ta đang làm quá đi mọi thứ. Xưa kia không có điều kiện, các cụ cứ lặng lẽ sống qua năm này năm khác rồi lặng lẽ ra đi. Nay nhiều gia đình có điều kiện cứ là rùm beng lên mọi thứ, không chỉ là mừng thọ mà còn nhiều lễ nghĩa khác không đáng có”. Ý của cụ là cả nhà khỏe mạnh, bình an, nhất là trong đợt dịch Covid này là điều đáng mừng rồi.
Năm nay dịch bệnh, nghe nói thôn sẽ không tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ như thường lệ. Thay vào đó, họ sẽ có quà trao tận tay mỗi cụ. Gia đình chị mừng thọ cho bà cũng sẽ không mời họ hàng, làng xóm dự tiệc như những lần trước. Bữa tiệc vì thế sẽ đơn giản hơn rất nhiều, chỉ những đứa con nào về Tết được sẽ cùng với anh cả ở nhà làm lễ cho bà vui.
Bởi vậy, chị nhắn tin thông báo trước với anh em trong nhà cần chuẩn bị những gì, những gì còn lại sẽ do chị lo. Anh em nhà chị hầu hết ở xa, Sài Gòn, Hà Nội, Âu - Mỹ đủ cả. Kinh tế dù không ai thực sự khá giả nhưng cũng đủ sức lo cho buổi lễ mừng thọ đơn giản nhưng trang trọng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chị biết mẹ chị lo nhất vẫn là con cháu có khỏe mạnh không, bình an không, làm có đủ ăn, đủ mặc không chứ không lo gì cho bản thân của bà. Do vậy, chị dặn các anh em là tuyệt đối không than thở gì trước mặt bà dù khó khăn đến mấy.
Riêng gia đình chị trước khi về Tết mừng thọ bà có cuộc hội ý nhỏ, như con rể chúc bà cái gì, có quà gì, các cháu nên chúc bà như thế như thế nào... Chị nói thêm, bà nghèo không có gì cho con cháu, nhưng là người cho tất cả, là bậc sinh thành ra chị, rồi mới có các cháu... Đây là điều những cháu nhỏ dễ quên, nguồn cội của mình.
Điều chị vui là chồng chị và các cháu về Tết nhà ngoại năm nay có vẻ háo hức hơn mọi năm. Anh nói: "Năm nay làm tiệc mừng thọ cho mẹ tuy nhỏ nhưng thật vui. Không cứ linh đình là vui đâu".
Chị nghe anh nói vậy thì rất vui nhưng vẫn mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi, thôn làng lại làm lễ mừng thọ cho các cụ, những cụ bà, cụ ông lại được quây quần cùng con cháu, hàng xóm láng giềng. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần