Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mừng tuổi thời công nghệ số

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều tập tục cổ xưa, ngày Tết Nguyên đán của dân tộc Việt, có lẽ tục mừng tuổi là một nét đẹp. Người già lẫn trẻ thơ đều cảm thấy an vui và chờ đợi. Tuy nhiên, do sự tiêu cực của quà cáp biếu xén tinh vi len lỏi dần vào đời sống xã hội cho nên nhiều lúc, tục lệ này bị lợi dụng và dần dần biến tướng.

Thuở nhỏ, không mấy ai trong chúng ta lại không chờ đợi cái không khí đón Xuân mừng mới lúc giao thừa gõ cửa mỗi nhà. Chúng ta thường chờ đợi người thân trong gia đình mình - người được xem là “hên” nhất nhà, được tuổi nhất nhà ấy lĩnh sứ mệnh ra ngoài đường trước giao thừa và sẽ trở về xông đất rồi quây quần mừng tuổi nhau. Sau khi cúng gia tiên xong thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông, bà, cha, mẹ mừng cho con, cháu, gọi là tiền mừng tuổi. Không khí khi đó thật rộn ràng và tươi vui. Số tiền trong phong bao lì xì không quan trọng về số tờ và giá trị trong đó. Cả người nhận và trao lì xì đều trao nhau cái sự vui vẻ cho một ngày đầu năm mới.
 Ảnh minh họa.
Từ khi chiếc phong bao xì lì xuất hiện, nó cũng đâu có ai quy định phải mừng bao nhiêu tiền. Người ta chỉ quan niệm theo lối dân gian, tiền mừng tuổi là tiền “lộc lá” nên chỉ mang tính tượng trưng để cầu mong sự may mắn, khấm khá, no đủ quanh năm và thường ai cũng muốn được lì xì tờ tiền màu đỏ, màu hồng cũng là vậy...

Có người cho rằng, ban đầu cũng không phải mừng tuổi bằng tiền mà bằng quà. Nó rất nhẹ nhàng, có ý nghĩa và mang mục đích nào đó gần gũi, thiết thực với mỗi người được nhận nó. Sau này, thấy cũng rắc rối thế nào đó cho nên người Việt (cũng như vài nước châu Á khác) bắt đầu có ý tưởng mới, không còn tặng quà nữa mà là tặng tiền lì xì. Nó được đặt trong những phong bao rất đẹp mắt, thường cũng có màu đỏ rực hoặc có in chữ bằng nhũ vàng, rất rực rỡ với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, người già sống lâu trăm tuổi và trẻ thơ chăm ngoan, học giỏi, khỏe khoắn...

Tuy nhiên, như tôi đề cập ở trên, nhiều khi người ta tranh thủ lấy cớ “mừng tuổi” nhau để làm chuyện không hay nếu không phải là người thân của nhau . Những cái bao lì xì mừng cho sếp, cho cha mẹ sếp và con sếp cứ tưởng "nhẹ” nhưng hóa ra lại rất “nặng” và khó ai đoán được khi cầm nó. Người ta muốn mang cả bao ý đồ sâu xa trong đó mà xem ra rất khó chối từ kiểu như “em mừng tuổi cụ nhà anh, con anh chứ có mừng sếp đâu (!!!) mà sếp từ chối em! Thế nhưng nó lại rất gọn gàng, rất tinh tế và hơn nhiều thứ quà cáp to đùng, dễ lộ khác thời buổi luôn bị người khác nhìn vào.

Tôi được biết, các DN công nghệ số gần đây họ đã tính đến cả hình thức mừng tuổi online (từ 2019) và nghe nói, tính năng lì xì qua online ở những ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank... đã thực hiện vì khá hấp dẫn khách hàng. Theo suy nghĩ của tôi, khi mà đại dịch toàn cầu Covid-19 đang có nguy cơ đe dọa cái Tết của chúng ta những tưởng đã được bình yên, bỗng nhiên bị xáo trộn rất đáng lo thì biết đâu, đây lại là cơ hội thú vị cho các ngân hàng có nhiều khách sử dụng dịch vụ này hơn. Sau khi "chat chít" thăm hỏi nhau trên mạng vì dịch bệnh nên khó đi lại để chúc Tết nhau thì tiếp đó sẽ có một cú nhấp chuột với cái phong bao lì xì mừng tuổi. Nó sẽ được nhà mạng chuyển vào tài khoản của người mình muốn, không cần gặp nhau mà vẫn vui.

Ngày nay khi cuộc sống của chúng ta khi đã khá đủ đầy, tục mừng tuổi dù rằng cũng không còn giữ nguyên quy tắc cũ và cũng có những sự sáng tạo dưới nhiều hình thức cần tránh và phê phán. Thậm chí nhiều khi rất khó xử, nhất là khi ai đó mừng tuổi cho con cái chúng ta trên mức bình thường, không được tương xứng thì rất dễ nảy sinh tâm trạng mất vui nếu ai đó lại hay cả nghĩ. Vì thế, để tránh phải nghĩ ngợi mà chỉ là niềm vui được đón nhận, nên chăng những chiếc bao lì xì nói trên cần những tờ tiền mới, mệnh giá rất nhỏ mà vẫn vui vẻ. Như thế là được. Chỉ có như vậy, nó mới có ý nghĩa như vốn có, đó là trao nhau những ước vọng tốt đẹp vào những ngày đầu năm mới.