KTĐT - Giới đầu cơ địa ốc rỉ tai nhau, muốn "đẩy" được "hàng" ở giá cao, chỉ cần tung vài chiêu "nóng sốt", "khan hiếm" là ít nhiều tạo nên một làn sóng ảo tại khu vực đó. Thậm chí, chấp nhận "đền bù" tiền đặt cọc để "giữ hàng". Đây được xem là chiêu kinh doanh muôn thuở.
Anh Nguyễn Văn Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sau khi đàm phán, “cò cưa” đến hơn 1 tuần để mua thửa đất hơn 70m2, 2 mặt thoáng, khá đẹp ở thôn Nhân Mỹ, Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Đúng ngày đem tiền tới đặt cọc, chủ đất “trở mặt” tuyên bố phải thêm 2 giá nữa không thì... nghỉ mua. Anh Trung đành bỏ dở giao dịch vì “không thể chấp nhận tự dưng mất ngót 150 triệu đồng”. Hơn 1 tháng trở lại đây, nhiều người đã rơi vào hoàn cảnh như anh Trung khi tìm mua đất ở Từ Liêm.
Giá đất nền dự án, đất thổ cư ở huyện này tăng theo ngày. Hôm nay là 25 triệu đồng/m2, ngày mai đã là 25,5 triệu đồng/m2; 3 hôm sau là 26 triệu, rồi 27 triệu đồng/m2... Bắt đầu từ xã Mỹ Đình, hơi nóng lan sang các xã Mễ Trì, Phú Diễn, Minh Khai, Xuân Phương, Tây Mỗ... Chếch sang chút ít, quận Hà Đông và huyện Hoài Đức với nhiều dự án đô thị mới cũng “nóng sốt”. Đặc biệt là các khu Bắc An Khánh, Nam An Khánh, dù chủ đầu tư chưa tuyên bố bán hàng song giá đất nền ở những khu này tăng với tốc độ tên lửa. Chênh lệch hợp đồng góp vốn lúc đầu là 700 triệu đồng, vài ngày sau đã lên 1,3 tỷ đồng, rồi 2 tỷ, 2,8 tỷ đồng...
Giá đất tăng theo phong trào, người này bảo người kia và "rủ nhau" tăng giá. Họ quan niệm đơn giản rằng phải tăng để... xứng tầm đô thị vì chẳng mấy chốc nơi đây sẽ lên quận, lên phường, đất đai sẽ sốt xình xịch ???!!!
Ở Hà Nội những ngày này, giá đất không chỉ nóng ở khu vực phía Tây mà cả những nơi xưa nay bị cho là kém hấp dẫn bởi hạ tầng nghèo nàn, mức độ ô nhiễm cao như huyện Thanh Trì hay khu vực Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), giá đất nền cũng leo thang. Vốn là rốn nước thải của thành phố, nơi có nghĩa trang Văn Điển cùng rất nhiều cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, giá đất ở Thanh Trì lâu nay ít có dịp được “biến thiên” như khu phía Tây. ấy thế nhưng, hơn 1 tháng trở lại đây, giá đất ở Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, Tả Thanh Oai, Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp đã thi nhau leo thang. Tương tự, tại những khu vực “ốm o” gần chân cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy như Lĩnh Nam, Thúy Lĩnh (Hoàng Mai), giá đất cũng “lên đồng” bởi giới đầu cơ nhỏ và vừa.
Trong khi cơn sốt ở Nam An Khánh, Bắc An Khánh ngày càng nặng bởi tin đồn thu “siêu lợi nhuận” chỉ trong vài ngày thì “cao trào” tăng giá đất bắt đầu từ xã Mỹ Đình có nguyên khởi từ tin đồn Mỹ Đình sẽ lên quận. Tương tự, giá đất khu vực phía Nam thành phố “xôn xao” vì tin nghĩa trang Văn Điển sẽ ngừng hoạt động và Thanh Trì cũng sắp “lên đời” thành quận. Hàng loạt các điểm nóng cục bộ khác như Vĩnh Tuy, Thúy Lĩnh, Lĩnh Nam hay Đông Anh là do nhiều nhà đầu tư hy vọng thu lợi nhuận sau khi hạ tầng các khu vực này được cải thiện khi cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy bắt đầu hoạt động hay cầu Nhật Tân sẽ gấp rút được triển khai xây dựng...
Sự thực tin đồn “siêu lợi nhuận” ở Bắc An Khánh (Splendora) không ai có thể kiểm chứng ngoài chính những kẻ đầu cơ và cò mồi. Người ta chỉ có thể chứng kiến sự đội giá theo những dòng quảng cáo bán đất thay đổi từng ngày... trên mạng. Tuy thế, sức ảnh hưởng tới tâm lý cộng đồng của nó vẫn cực kỳ lớn và góp phần đẩy giá đất ở nhiều khu vực leo thang theo.
Trên thực tế, đề án tách huyện Từ Liêm thành 2 quận đã được chuẩn bị từ những năm 2006-2007. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, trong 2 năm qua, đề án này vẫn chưa được khởi động lại. Về nguyên tắc, khi muốn điều chỉnh địa giới hành chính trên địa bàn, phải qua nhiều công đoạn tốn kém thời gian, nếu được Chính phủ đồng ý, UBND TP Hà Nội sẽ phải giao các sở, ngành và huyện Từ Liêm lập đề án trình HĐND TP thông qua tại một kỳ họp thường kỳ (1 năm chỉ có 2 kỳ họp) trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cuối cùng.
Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội còn chưa xin ý kiến Chính phủ để lập đề án điều chỉnh địa giới hành chính nghĩa là chưa qua được khâu khởi động nói gì tới chuyện trình HĐND TP. Nói như chính lãnh đạo huyện này thì “còn chờ đợi khá lâu bởi Thủ tướng chưa đồng ý”. Đối với người bạn láng giềng Thanh Trì, tin đồn lên quận đúng là mới song lại không có cơ sở. Chính lãnh đạo huyện này cũng trả lời chưa nghe thấy chủ trương đó bao giờ!?
Vào năm 2004, huyện này cũng đã từng bị “cắt” hết những phần tinh túy khi nhiều xã phát triển nhất huyện ghép vào một số phường của quận Hai Bà Trưng thành quận mới Hoàng Mai. Tương tự, tin nghĩa trang Văn Điển ngừng hoạt động càng không chính xác bởi theo chủ trương của thành phố, nghĩa trang lớn nhất Thủ đô chỉ không tiếp nhận hung táng từ 1-7-2010 chứ không phải đóng cửa hoàn toàn. Trong giai đoạn sắp tới, Văn Điển vẫn là một trong những nghĩa trang lớn của Hà Nội.