Muốn đi đến đích hãy đi cùng nhau

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” – đây là câu nói nổi tiếng của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett. Đương nhiên,danh ngôn của nhà đầu tư huyền thoại này không chỉ đúng trong lĩnh vực kinh doanh.

 Thông điệp ''Đã uống rượu bia, không lái xe'' được cả xã hội đón nhận
Nếu để chọn sự kiện nổi bật của ngành giao thông vận tải (GTVT) trong năm vừa qua sẽ không dễ để đưa ra sự lựa chọn, khi đây là lĩnh vực vừa trải qua một năm có quá nhiều sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, nếu để chọn ra sự kiện ấn tượng nhất năm, nhiều người sẽ đồng tình chọn Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Tại sao lại nói như vậy? Có lẽ lâu lắm rồi, dư luận cả nước mới háo hức đến vậy trước sự xuất hiện của một văn bản luật liên quan đến lĩnh vực GTVT, cho dù Nghị định này xuất hiện đúng vào thời điểm cuối năm 2019, khi người dân cả nước đang dành tất cả sự tập trung cho công tác chuẩn bị đón Tết cổ truyền Canh Tý 2020 đang cận kề.
Còn nhớ, vào thời điểm Nghị định 100 mới xuất hiện, không ít ánh mắt nghi ngờ về tính hiệu quả của văn bản luật này. Đây là điều không khó hiểu, nhất là khi vào thời điểm đó, tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn cả nước đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Một văn bản luật mới ra đời liệu có đủ sức mạnh để tô điểm thêm những đường nét tươi mới cho bức tranh TNGT vốn còn nhiều mảng màu u ám hay không?
Không cần quá nhiều thời gian để chứng minh, chỉ vài ngày sau khi đi vào cuộc sống, Nghị định 100 đã cho thấy hiệu quả bất ngờ trong công tác kiểm soát vi phạm và kiềm chế TNGT. Hai tuần đầu năm 2020, tình hình TNGT đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, từ ngày 1 đến 15/1, cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm 249 người chết, 158 người bị thương. So với 2 tuần trước đó, đã giảm 31 vụ (giảm 8,8%), giảm 38 người chết (giảm 13,2%), giảm 57 người bị thương (giảm 26,5%). Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.279 người lái xe vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỉ đồng.
 Cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn sau Nghị định 100 mang lại hiệu quả lớn
Trong buổi họp báo triển khai thực hiện chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP diễn ra vào ngày 16/1, Thiếu tướng Lê Xuân Đức – Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an tỏ ra rất phấn khởi và tin tưởng về kết quả đạt được sau 2 tuần thực hiện Nghị định 100: "Những ngày qua không có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan rượu bia. Trong khi dịp này những năm trước thường xảy ra những vụ lái xe uống rượu tông chết nhiều người. Chúng tôi tin rằng số liệu phản ánh đúng thực tế hiện nay. Chúng ta đi qua các quán rượu, bia, thấy lượng người uống cũng giảm. Rõ ràng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và nghị định 100 đã đi vào cuộc sống, được người dân nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật”.
Vậy tại sao Nghị định 100 lại có hiệu quả và công năng lớn đến vậy? Cần phải nhớ rằng, trong những năm qua, có không ít giải pháp, trong đó có cả những giải pháp mang tính pháp lý được cụ thể hóa bằng văn bản luật được đưa ra để kiềm chế TNGT nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự như mong đợi. Trên thực tế, TNGT có giảm dần theo từng năm song vẫn còn đó  những vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người cùng lúc. Đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, hàng loạt vụ TNGT thảm khốc đã xảy ra mà thủ phạm chính là những “ma men sau tay lái”. Thói quen sử dụng bia rượu, đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đã thực sự trở thành một vấn nạn lớn của toàn xã hội.
 Thay đổi thói quen sử dụng rượu bia trong xã hội là điều không hề dễ dàng
Khi phân tích về thành công của Nghị định 100, nhiều chuyên gia giao thông không ngần ngại chỉ rõ, “bí quyết” chẳng phải là điều gì đó cao siêu, kì vĩ. Nó đơn giản chỉ là, xác định rõ mục tiêu đấu tranh và tranh thủ được sự đồng lòng của toàn xã hội trong “cuộc chiến” loại trừ vấn nạn “ma men sau tay lái”. Nhiều người nói về chế tài xử phạt nặng, về cao điểm ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn rầm rộ ở hầu khắp các địa phương, về công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông… Tất cả đều không sai nhưng chưa phải là điều cốt lõi.
Trở lại với câu nói nổi tiếng của tỷ phú người Mỹ  Warren Buffett: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Đây thực sự là chân lý của thành công, không chỉ trong kinh doanh mà trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội. “Đi cùng nhau” nghĩa là sự đoàn kết, mà chỉ có đoàn kết, đồng lòng mới tiến xa, mới cùng nhau về đích được. Bí kíp thành công của Nghị định 100 nằm chính ở chỗ này. Khi đã huy động được sự đoàn kết, đồng lòng trong toàn xã hội, thì bất cứ nhiệm vụ nào, dù khó khăn đến mấy cũng có thể hoàn thành. Chúng ta nên nhớ rằng, thói quen sử dụng bia rượu đã ăn sâu vào đời sống xã hội của người dân Việt Nam bao đời nay. Thậm chí, thói quen ấy còn được nâng tầm lên, thành cái gọi là “văn hóa bia rượu”. Để thay đổi thói quen ấy là điều không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là muôn vàn gian nan. Nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, Nghị định 100 đã cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn khác với những hiệu quả tức thì đã đạt được.
 Mọi người đã có sự cân nhắc, đắn đo trước khi sử dụng rượu bia
Năm mới nhắc lại chuyện của những ngày cuối năm Kỷ Hợi, người dân cả nước nô nức đi sắm Tết. Có lẽ không ai có thời gian để ý để nhận ra một hiện tượng vô cùng thú vị. Lần đầu tiên, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực kinh doanh bia, rượu và nước giải khát là Habeco đã phải mang bia ra tận cổng công ty để bán và tiếp thị. Tất nhiên, hiệu quả của cách làm này cũng không quá cao khi sức tiêu thụ bia rượu trong người dân sụt giảm rõ rệt sau Nghị định 100. Điều quan trọng là cách phản ứng của người dân với quy định mới không còn ở những chiêu trò mang tính chất đối phó nữa mà là ý thức chấp hành thực sự nghiêm túc. Điều này thể hiện bằng việc, trước khi cầm cốc bia, chén rượu lên uống, mọi người đã biết dừng lại suy nghĩ, cân nhắc và đặt xuống bàn. Hành động ấy trông tưởng đơn giản nhưng không dễ đạt được trong một thời gian ngắn như vậy.
Sẽ là quá sớm khi khẳng định Nghị định 100 đã hoàn toàn loại bỏ được vấn nạn “ma men sau tay lái”. Bất cứ một văn bản pháp lý nào cũng cần được kiểm chứng trong đời sống xã hội trong một thời gian đủ dài. Tuy nhiên, với những gì đã đạt được trong thời gian qua, trong không khí cả nước tưng bừng chào đón mùa xuân mới, Xuân Canh Tý 2020, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một môi trường giao thông lành mạnh, không nồng độ cồn, không còn những “ma men sau tay lái” trong tương lai không xa. Câu nói của tỉ phú người Mỹ Mỹ Warren Buffett, nếu được có thể chỉnh sửa lại một chút cho phù hợp, đó là: Muốn đi xa hãy đi một mình, muốn đi đến đích, hãy đi cùng nhau!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần