Chia sẻ về áp lực cạnh tranh khi Việt Nam tham gia ký kết RCEP, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho rằng, hoàn toàn không lo ngại vì Việt Nam đi trước một bước. Ngoài RCEP, Việt Nam đã có các hiệp định thương mại (FTA) với mức độ cao hơn so với RCEP.
“Ví dụ Nhật Bản đã có FTA song phương, FTA khu vực giữa ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia, mức độ mở cửa thị trường gần như 100% và lộ trình đi rất nhanh. Trong khi đó RCEP có mức cam kết thấp hơn, do vậy, áp lực cạnh tranh chắc chắn sẽ có nhưng chúng ta đã lường trước được điều này”, Vụ trưởng Lương Hoàng Thái nói.
Quang cảnh buổi sinh hoạt báo chí chuyên đề về Hiệp định RCEP |
Cũng theo ông Lương Hoàng Thái, để khai thác triệt để lợi ích do RCEP mang lại, việc đầu tiên DN Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia hiệp định, quy tắc xuất xứ của hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại…
Ngoài các lợi ích, DN trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.
Để hỗ trợ các DN Việt Nam sớm tiếp cận và khai thác tối ưu những cơ hội, thuận lợi mà RCEP đem lại, Bộ Công Thương đã chuẩn bị lộ trình triển khai các kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến hiệp định đến các đơn vị, tổ chức có liên quan và các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cụ thể, Bộ đã xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch tuyên truyền, giới thiệu các thông tin về hiệp định, xây dựng các buổi tập huấn bổ sung kiến thức về hiệp định cho các tổ chức, DN trong nước; xây dựng các chương trình, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ mà ta có thế mạnh và tiềm năng. Cùng với đó, nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là hệ thống thương vụ, trung tâm thông tin, trung tâm xúc tiến thương mại, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng DN.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước RCEP; phát triển và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các DN, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng…