Muốn kiện phải có đầy đủ bằng chứng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cánh gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam chưa đến 1 USD/kg, rẻ hơn rất nhiều so với giá thành của các trại chăn nuôi của Việt Nam, gây điêu đứng cho nhiều DN và nông dân trong nước.

Trước tình hình này, các chuyên gia kinh tế khuyên các DN chăn nuôi cần tập hợp thông tin, bằng chứng làm căn cứ để khởi kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm cánh gà Mỹ nhập khẩu.
Người tiêu dùng chọn mua gà đông lạnh nhập khẩu tại một siêu thị ở Hà Nội. 	 	Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng chọn mua gà đông lạnh nhập khẩu tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Chưa có đơn kiện chính thức

Trao đổi bên lề Hội thảo về tác động của Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) tới Việt Nam: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi, ngày 3/8, TS Lê Đăng Doanh lý giải: “Giá bán cánh gà Mỹ rẻ là vì thị trường Mỹ chỉ ăn phần đùi và ức gà, không ăn cánh gà nên họ bán đi rất rẻ. Nhưng nếu như giá bán cánh gà của Mỹ ở Việt Nam rẻ hơn giá bán tại thị trường Mỹ thì chúng ta có thể kiện được”. Tuy nhiên, để kiện thì các DN chăn nuôi phải góp tiền để đi kiện. “Đó là việc của DN chứ không phải việc của Nhà nước. Việc kiện tụng cũng rất tốn kém, không phải ngày một ngày hai là xong” - ông Doanh nhấn mạnh.

Chia sẻ vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do, việc DN muốn kiện các DN Mỹ bán phá giá cảnh gà vào Việt Nam là hết sức bình thường. Nhưng quan trọng là DN phải có căn cứ để xác định sản phẩm bị bán phá giá. Phải có đầy đủ thông tin khảo sát và có tiêu chuẩn so sánh giá thành sản xuất một đơn vị sản phẩm tại thị trường Mỹ và tại Việt Nam. Khi đó mới có quyết định sản phẩm đó có bị phá giá hay không. Thực tế hiện nay, các DN Việt Nam không biết các DN Mỹ sản xuất như thế nào mà chỉ có thể tham khảo thông tin trên internet. “Nhưng để khởi kiện thì chúng ta phải trực tiếp sang Mỹ xem trang trại, quy mô sản xuất như thế nào rồi so sánh với Việt Nam trên cơ sở cùng giống gà, cùng thức ăn, cùng quy mô chứ không thể so sánh một bên là nuôi một ngàn con với một bên nuôi một con” - ông Chinh cho hay.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm thông tin: “Đến nay, Cục Chăn nuôi chưa nhận được đơn kiện chính thức nào từ các hiệp hội về việc kiện chống bán phá giá đối với cánh gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam”.

Ngành chăn nuôi phải thay đổi

Qua sự việc cánh gà Mỹ giá rẻ “hút” khách lần này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, các nhà chăn nuôi Việt Nam phải thay đổi. “Điều quan trọng là phải tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phải nâng cao hiệu quả từ khâu chọn con giống, thức ăn gia súc, cho đến khâu tiêu thụ, phân phối để có một nền chăn nuôi lành mạnh trong môi trường hội nhập quốc tế như thế này” – ông Doanh đặt vấn đề. GS.TS Nguyễn Quang Thái – Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nhất trí với quan điểm, ngành chăn nuôi phải nhanh chóng tái cơ cấu, phải biến người nông dân từ xưa đến nay chưa quen làm việc theo kỷ luật công nghệ kỹ thuật cao, biến những người nông dân ấy thành những công nhân nông nghiệp được đào tạo, có chuyên môn cao, kỷ luật cao.

Nhưng để có những chuyển biến ấy thì Nhà nước phải đóng vai trò tổ chức và hướng dẫn. Đơn cử, tỉnh Vĩnh Phúc đã có đề án nông dân cho thuê lại đất nông nghiệp 10 năm, sau đó, tỉnh cho Tập đoàn Vingroup thuê lại đất và người nông dân sẽ trở thành công nhân nông nghiệp làm việc cho Vingroup với mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với trước đây. Như vậy, cả DN và người nông dân đều có lợi và vai trò tổ chức của cơ quan Nhà nước rất là quan trọng. Vị chuyên gia này hy vọng mô hình ở Vĩnh Phúc sẽ thành công để trở thành ví dụ điển hình cho các địa phương khác học tập.