Xuân trong nhà, Xuân ngoài phố
Trên những tuyến đường chính dẫn vào Thủ đô và các tuyến phố nội đô trong những ngày này ngập tràn sắc thắm của hoa, lộng lẫy sắc màu của đèn trang trí và rộn ràng băng rôn đỏ thắm "Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Nhâm Thìn". Đi trên phố, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió Xuân, lòng người bỗng thấy rạo rực, lâng lâng cảm xúc xen lẫn niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Ảnh: Thanh Hải
Những phố Hàng Khay, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu… dường như được khoác trên mình chiếc áo mới đón Xuân. Khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ, quanh hồ Hoàn Kiếm, người người du Xuân thưởng ngoạn tiết Xuân bên "lẵng hoa" giữa lòng Thành phố. Hồ Gươm những ngày này thật sôi động, ấm cúng bởi tình người Hà Nội, bởi sự mến mộ của du khách gần xa...
Tết đến sau lưng, nên nhịp sống ở Hà Nội cũng trở nên gấp gáp, náo nhiệt hơn. Khắp nẻo phố phường Hà Nội, đâu đâu của rực rỡ sắc hoa. Không ai không nhớ chợ hoa Hàng Lược với đặc trưng sắc thắm của hoa đào, ánh vàng của quất. Tiếp đến là chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân, phố hoa Hoàng Hoa Thám…, ở đâu cũng rực rỡ sắc Xuân, rạng rỡ nụ cười của thiếu nữ Hà thành. Thời tiết năm nay cũng khéo chiều lòng người khi mà trước đó cái rét cuối Đông kéo dài tê tái rồi gần Tết lại bừng lên chút nắng vàng để những cây đào sau nhiều ngày ngậm nụ nay bung sắc đỏ làm rạo rực lòng người. Cùng với đào Nhật Tân, Tây Tựu, những bông đào rừng, mai vàng phương Nam xuống phố cũng rực sắc Xuân.
Dù kinh tế năm nay khó khăn, nhưng người yêu đào, quất cũng không thể giữ chặt hầu bao… Với người Hà Nội, Tết đến, Xuân về không thể thiếu hoa. Ấy là chưa kể những người quê xa, khi rời Thủ đô về ăn Tết cũng không quên mang theo cành đào, chậu quất, bó hoa để Xuân quê nhà thêm sắc thắm.
Cùng với chợ hoa, dòng người đổ vào các trung tâm mua sắm, siêu thị cũng có vẻ nhiều hơn với túi đồ trĩu tay về nhà đón Tết. Dịp này, phố Hàng Mã lung linh đủ sắc màu của đèn lồng đỏ rực, của dây hoa đèn trang trí cành đào, chậu quất. Người ta có thể tìm thấy ở đây từ chiếc lì xì nhỏ xíu in hình con rắn cách điệu, tới những vòng dây kim tuyến đủ màu sắc…
Chợ hoa trên đường Yên Phụ.Ảnh: Bảo Đức
Bao quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám là “phố ông đồ", nơi mà người yêu chữ hay đến “xin chữ” Thánh hiền về treo trong nhà như một thú chơi của kẻ sĩ. Những chữ "Tâm", chữ "Đức", chữ "Tài"… làm cho năm mới càng thêm hương sắc. Ra ngoài một chút, Công viên Thủ Lệ, Bảo tàng Dân tộc học… cũng hút khách bởi những trò chơi văn hóa dân gian và các chương trình nghệ thuật đặc sắc, gợi lại không khí Tết xưa trong lòng phố thị.
Những ngày giáp Tết, người Hà Nội cũng có thói quen đến chùa lễ Phật để cầu một năm Quốc thái dân an, nhà nhà thành đạt, trút bỏ những nỗi niềm năm cũ. Những ngôi chùa trong phố cổ, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Hà, chùa Láng tấp nập những bước chân thành tâm nơi chốn thiền môn.
Tết đến với mọi nhà
Với phương châm chăm lo Tết cho mọi nhà, không để gia đình nào không có Tết, từ chính quyền Thành phố đến các quận, huyện, công việc chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo đã được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn. Năm nay, ngoài kinh phí quà tặng của Chủ tịch nước, Thành phố cũng trích ngân sách gần 230 tỷ đồng tặng quà cho các gia đình chính sách nhân dịp Tết. Để động viên tinh thần các gia đình chính sách, người neo đơn, hộ nghèo… lãnh đạo Thành phố, các quận, huyện, sở, ngành đã có rất nhiều hoạt động tặng quà, thăm hỏi, chúc các gia đình đón một năm mới nhiều niềm vui. Đối với nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng và không thuộc các đối tượng chính sách lần đầu tiên, UBND TP quyết định tặng quà với mức 500.000 đồng/đối tượng. Đây cũng là sự quan tâm đặc biệt, sự tri ân đối với nữ cựu thanh niên xung phong của Thành phố.
Góp sức vào tinh thần nhân ái cộng đồng, sẻ chia khó khăn đối với người nghèo, năm nay, năm thứ hai, Báo Kinh tế&Đô thị cùng các nhà tài trợ tổ chức Chương trình "Tết vì người nghèo", tặng 200 suất quà Tết (trị giá 500.000 đồng/suất) cho các gia đình chính sách, hộ nghèo tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Ba Vì. Đây cũng là tấm lòng của cán bộ, phóng viên Báo Kinh tế&Đô thị và các nhà tài trợ, nhằm động viên, chia sẻ với những gia đình chính sách, gia đình còn khó khăn khi Tết đến, Xuân về.
Năm nay, Thành phố cũng tổ chức 61 chuyến xe đưa 2.500 công nhân về quê đón Tết và trích hơn 10 tỷ đồng tặng quà cho hàng ngàn lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất về quê ăn Tết.
Lo Tết cho người bệnh
Cùng với lo ăn, lo mặc, lo đi lại… cho nhân dân, Thành phố cũng yêu cầu ngành Y tế và các bệnh viện lo cả vấn đề chữa bệnh cho nhân dân trong đợt nghỉ Tết Quý Tỵ 2013 kéo dài đến 9 ngày.
Nhộn nhịp chợ hoa Hàng lược.Ảnh Văn Phúc
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã rà soát lại lịch trực của lãnh đạo và huy động hơn 400 lượt y, bác sĩ tham gia trực Tết. Trong đó, Khoa cấp cứu sẽ là nơi được tăng cường nhất, tiếp đến là các khoa Thần kinh, viện Tim mạch, khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm hô hấp… để đảm bảo cấp cứu kịp thời cho người bệnh.
Bệnh viện Việt Đức, đơn vị đầu ngành về ngoại khoa, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo khoa Khám bệnh và bộ phận phẫu thuật vừa đảm bảo cấp cứu bệnh nhân ngay trong ngày, vừa phân công lịch trực hợp lý; đồng thời phân công lượng trực khoảng 300 người với nhiều bác sĩ giỏi của các khoa trực 24/24 giờ để đáp ứng yêu cầu của người bệnh.
Một mùa Xuân mới đang về, những nẻo đường Xuân ở Thủ đô cũng bắt đầu rạo rực với khúc ca về tình người, tình Xuân. Dẫu còn đó không ít những khó khăn, thách thức ở phía trước, dẫu chưa thực sự hài lòng với những kết quả đã đạt được, trong muôn vàn niềm tin và hy vọng, Thủ đô và đất nước vẫn đang vững vàng bước vào Xuân.