Muốn tái cơ cấu nhanh phải chấp nhận trả giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/7, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) đã công bố “Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2015” của Việt Nam.

Báo cáo cũng đưa ra nhận định kinh tế quý III và quý IV/2015 phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tái cơ cấu, song, quá trình này lại đang diễn ra rất chậm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của CIEM, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đã thể hiện sự phục hồi rõ nét hơn. “Điểm sáng” nhất là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng tới 9,1% so với cuối năm 2014; Sản xuất và đơn hàng gia tăng vững chắc… Tuy nhiên, sự phục hồi này chỉ ở mức khá và rõ nét hơn, chứ chưa thể gọi là tốt. Về triển vọng kinh tế vĩ mô quý III/2015, CIEM dự báo, tăng trưởng GDP đạt 6,42%; CPI so với cuối quý I/2015 tăng 0,92%; Tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2014 là 10,6% và cán cân thương mại là âm 0,8 tỷ USD... Để đạt được những mục tiêu này, cả nền kinh tế sẽ phải cố gắng trong khó khăn. “Không đơn giản cứ hội nhập là đi lên, nếu như không ưu tiên cao cho tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ổn định lạm phát, tỷ giá; Xây dựng kế hoạch trả nợ công trong trung và dài hạn, cân nhắc khống chế thâm hụt ngân sách…”- Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá cũng cho rằng, kinh tế quý III và quý IV/2015 hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình thực hiện tái cơ cấu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình cải cách này đang quá chậm. Ông Bá cho rằng, chúng ta muốn tái cơ cấu nhanh và quyết liệt cũng khó. “Muốn làm nhanh, làm mạnh thì bắt buộc phải có đột phá mà quan trọng nhất là chấp nhận trả giá. Nếu không chấp nhận điều này rất khó tái cơ cấu”- ông Bá nêu ý kiến.

Bên cạnh những thách thức thì nền kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm vẫn có nhiều “điểm sáng”. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng dự báo tăng trưởng tốt, lạm phát ổn định ở mức thấp, 0,65% trong quý II là cơ sở quan trọng để thực hiện kiểm soát lạm phát trong năm nay…

Để giải quyết các nút thắt cho tăng trưởng kinh tế, báo cáo của CIEM nhận định, trước mắt, cần phải tập trung cổ phần hóa (CPH) DN. Quá trình CPH từ năm 2013 đến nay chuyển động rất chậm. Các chuyên gia cho rằng, việc CPH sẽ tạo ra sức sống mới cho DN nói riêng, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam cần tiếp tục giải quyết hai “tiêu điểm” lớn là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tìm giải pháp cho mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thực tế, lãi suất hiện nay mặc dù ổn định nhưng khó giảm thêm. Đáng lưu ý là áp lực tăng cục bộ lãi suất ở một số ngân hàng thương mại, nợ xấu hiện vẫn cao. Ngân hàng Nhà nước đã mua lại một số ngân hàng thương mại nhưng bước tiếp theo như thế nào vẫn chưa rõ. Trong khi đó, nguồn lực, tài lực, pháp lực của chúng ta vẫn hạn chế, khiến cho kết quả xử lý nợ xấu chưa rõ ràng. Không phủ nhận tính khả thi của việc đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay 2015 như kế hoạch, nhưng TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng để làm được điều này phải có những chuyển biến hết sức mạnh mẽ.

Về quan hệ thương mại với Trung Quốc, theo tính toán, 90% dự án xây dựng của Việt Nam do các tổng thầu Trung Quốc thực hiện. Chính vì thế trong dài hạn nên tính toán, nghiên cứu những kế hoạch nhằm hạn chế phụ thuộc vào một thị trường.
Trong quý II, tỷ giá VND/USD có nhiều biến động. Việc điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD là cần thiết, nhưng không đủ để ổn định thị trường. Ngân hàng Nhà nước phải bán ra khoảng 200 triệu USD để tăng cung. Mặc dù dư địa điều hành tỷ giá vẫn còn khá nhiều, song vấn đề quan trọng là phải có sự phối hợp của các chính sách khác và giải pháp điều hành cần linh hoạt hơn
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM