Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Muôn vàn tình thương yêu“-Chương trình rung động hàng triệu con tim

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu phát thanh- truyền hình "Muôn vàn tình thương yêu" với sự kết hợp hài hoà yếu tố chính luận, nghệ thuật đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Tối 21/8, cầu phát thanh - truyền hình “Muôn vàn tình thương yêu”, một Chương trình chính luận - nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, 50 năm toàn Đảng toàn dân toàn quân ta thực hiện Di chúc của Người đã được diễn ra tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội), khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và khu Di tích Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh).
 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Chương trình tại điểm cầu Hà Nội.
Dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội có ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV...
"Muôn vàn tình thương yêu" là chương trình cầu phát thanh - truyền hình mang tính Chính luận - Nghệ thuật quy mô lớn trên toàn quốc đầu tiên được Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh. 3 miền Bắc – Trung – Nam cùng chung bản hoà ca về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là đất nước được thống nhất, non sông liền một dải.

Chương trình có kết cấu, kịch bản chặt chẽ, xúc động. Sự phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn giữa 3 điểm cầu tạo nên một câu chuyên xuyên suốt, khắc hoạ rõ nét cuộc đời và những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, người con của vùng quê nghèo xứ Nghệ, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than đói khổ, đã ra đi tìm đường cứu nước.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tặng hoa và chúc mừng các nghệ sĩ. 

Suốt cả cuộc đời của Người đã vì nước, vì dân, trước khi về với thế giới người hiền, Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho dân tộc. Tất cả tình yêu thương và lời căn dặn được Người trao gửi cho thế hệ mai sau trong Bản Di chúc thiêng liêng bất hủ.

“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng...Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là những lời cuối cùng trong Di chúc thiêng liêng của Người.

Nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam đã phấn đấu để thực hiện những điều Bác căn dặn trong Di chúc, coi đó là kim chỉ nam dẫn lỗi, chỉ đường để đưa Cách mạng đến thắng lợi.

Trong Chương trình chính luận - nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” những nội dung đó được xâu chuỗi lại bằng những thước phim tư liệu ghi lại những thời khắc linh thiêng trong lịch sử của dân tộc, những câu chuyện kể của các nhân chứng và bằng chính sức mạnh truyền cảm của nghệ thuật.

Gây xúc động mạnh nhất với khán giả chính là 3 vở kịch ngắn khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực yêu nước, thương dân, yêu thương con người. Người chăm lo xây dựng Đảng, tình đồng chí, sự đoàn kết, gương mẫu trong Đảng. Người yêu cầu “mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

 Tiết mục "Từ Làng Sen" tại điểm cầu TP.HCM. 

Vở kịch "Đêm giao thừa" là dòng hồi tưởng của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác về lần cùng Bác đến chúc Tết gia đình chị Tín - một người phụ nữ góa chồng nghèo nhất Thủ đô. Đêm giao thừa chị vẫn phải đi gánh nước thuê để có tiền mua bánh chưng cho các con. Khi trở về, Bác rất buồn, Bác nói với các đồng chí lãnh đạo - khi đó đến chúc Tết Người, rằng “Đảng cầm quyền mà để người dân nghèo hết chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân”.

Vở kịch "Nỗi đau" tái hiện thời khắc Bác Hồ thấy trăn trở, khó khăn nhất khi đưa ra quyết định có giảm án tử hình cho Trần Dụ Châu (Cục trưởng Cục Quân nhu phạm tội tham ô tài sản) hay không. Người đã tự nhận mình và các lãnh đạo có lỗi khi không kịp thời khuyên răn, để cán bộ tham ô, hư hỏng. Trước lời van xin của vợ Trần Dụ Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Bác làm cách mạng rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ khó khăn như việc mà Bác phải quyết định trong việc này". Sau hồi trăn trở, dù rất xót xa, Bác vẫn ký quyết định y án tử với Trần Dụ Châu.

Vở kịch “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết Di chúc, Người luôn chăm lo xây dựng Đảng, tình đồng chí, giữ gìn sự đoàn kết, gương mẫu trong Đảng. Người luôn dặn dò phải biết phê bình, đúng lúc, đúng cách. Khán giả xúc động rơi nước mắt khi xem cảnh Bác Hồ nói với thư ký Vũ Kỳ: "Chú về tắt điện chứ đừng tắt đài của Bác. Bác muốn trong nhà có tiếng người".

 3 vở kịch ngắn trong chương trình đã gây xúc động mạnh với người xem.

Cùng với phần chính luận – nghệ thuật, các tiết mục âm nhạc, văn nghệ đặc sắc hát về Bác, về Đảng, về đất nước cũng gây nhiều xúc động cho người xem, người nghe. Trong đó, có những màn hợp xướng hùng tráng, thiết tha được các nghệ sĩ nổi tiếng cùng cất lên ở cả 3 điểm cầu Truyền hình – Phát thanh xuyên suốt chiều dài đất nước như: “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Từ làng Sen”, “Dấu chân phía trước”, “Trông cây lại nhớ đến Người”, “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, “Bài ca hy vọng”, “Tự nguyện”, "Người là niềm tin tất thắng", "Hát về Người"…; có những ca khúc vừa sáng tác riêng cho chương trình như bài hát “50 năm theo lời Bác dạy” (Nhạc: Đức Trịnh, Lời thơ: Nguyễn Thế Kỷ).