Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

MV âm nhạc phản cảm: chế tài xử phạt chưa đủ mạnh?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, công chúng bàn luận sôi nổi về việc dán nhãn cho các MV (music video) âm nhạc sau sự việc ca khúc “Fever” có nhiều ca từ dung tục.

Âm nhạc dung tục bủa vây giới trẻ

Ca khúc “Fever” của Coldzy (kết hợp với rapper Tlinh) ra mắt công chúng ngày 4/6 trên YouTube và đã có gần 900.000 lượt nghe. Nhưng gần đây, ca khúc này “viral” trên nhiều nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook vì dùng một số câu từ nhạy cảm.

Ca khúc ''Fever'' có gần 900.000 lượt nghe trên YouTube. Ảnh chụp màn hình
Ca khúc ''Fever'' có gần 900.000 lượt nghe trên YouTube. Ảnh chụp màn hình

Bên dưới MV “Fever”, một số khán giả bình luận: “Bài hát thể hiện sự dung tục, không có nhãn mác cấm trẻ em dưới 18+, hãy là người nghệ sĩ có ý thức với cộng đồng”; “không hiểu tại sao thể loại nhạc như thế này vẫn được tung hô, lời lẽ tục tĩu, bất chấp những góp ý và phê phán từ cộng đồng cho thấy tư tưởng của nghệ sĩ lệch lạc, rất có vấn đề”...

Thực tế, hầu hết năm nào, làng nhạc Việt cũng có những ca khúc bị chỉ trích dữ dội vì có nội dung nhảm nhí, phản cảm. Trước bài hát của Coldzy và Tlinh, các MV “Bigcityboy” của Binz, “Em không hối tiếc” của Hương Giang, “Mời anh vào team em” của Chi Pu, “Oh My chuối” của Sỹ Thanh... cũng khiến người xem ngượng chín mặt bởi ca từ và hình ảnh hở bạo, cảnh nóng... ngập tràn.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: “Ngày càng nhiều sản phẩm âm nhạc được cho là dung tục, với lời lẽ, hình ảnh không phù hợp tràn lan trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, có thể xuất phát từ nhiều lý do như sự thay đổi trong giá trị văn hóa và xã hội. Hiện nay, quan niệm về những gì được coi là phù hợp hoặc không phù hợp trong nghệ thuật và giải trí đang thay đổi. Các tiêu chuẩn về đạo đức, thẩm mỹ có thể khác nhau giữa các thế hệ và các nền văn hóa, dẫn đến sự chấp nhận ngày càng tăng đối với những nội dung trước đây bị coi là dung tục".

Bên cạnh đó, do sự phát triển của mạng xã hội và truyền thông số đã làm thay đổi cách thức tiếp cận, tiêu thụ âm nhạc. Các nghệ sĩ có thể dễ dàng tự phát hành và quảng bá sản phẩm của mình mà không cần qua các kênh kiểm duyệt truyền thống, dẫn đến việc sản phẩm âm nhạc không phù hợp có thể tiếp cận với công chúng.

Mặt khác, văn hóa đại chúng quốc tế, đặc biệt là từ các nước phương Tây, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị hiếu của người trẻ. Nhiều nội dung âm nhạc từ các nền văn hóa này có thể mang tính dung tục hoặc không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của nước ta.

Đồng thời, thị trường âm nhạc ngày càng cạnh tranh gay gắt, các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc luôn tìm cách để sản phẩm của mình nổi bật, thu hút sự chú ý. Việc sử dụng những yếu tố gây sốc, dung tục có thể là một cách nhanh chóng để thu hút sự chú ý từ công chúng, đặc biệt là giới trẻ. "Sự thiếu kiểm soát và nhận thức chưa đầy đủ về văn hóa, đạo đức trong việc sản xuất, tiêu thụ âm nhạc cũng góp phần vào vấn đề này. Nhiều khi, người tiêu dùng trẻ tuổi chưa đủ kinh nghiệm hoặc nhận thức để phân biệt và đánh giá đúng đắn về giá trị của sản phẩm âm nhạc" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Ngăn chặn triệt để

Theo các chuyên gia, việc dán nhãn độ tuổi cho các sản phẩm âm nhạc có thể là một biện pháp hữu ích trong việc cảnh báo người tiêu dùng về nội dung không phù hợp và giúp phụ huynh quản lý việc tiếp cận của con em mình đối với những sản phẩm này.

Dán nhãn độ tuổi có thể giúp cảnh báo khán giả và phụ huynh về nội dung không phù hợp, từ đó giúp họ có quyết định sáng suốt hơn khi tiếp cận hoặc cho phép trẻ em tiếp cận với sản phẩm âm nhạc đó. Đồng thời, dán nhãn độ tuổi cũng có thể đóng vai trò như một công cụ giáo dục, giúp khán giả trẻ hiểu rằng có những nội dung không phù hợp với lứa tuổi của họ và tại sao việc tiếp cận với những nội dung này có thể gây ra tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc ngăn chặn hoàn toàn khán giả trẻ tiếp cận với những sản phẩm âm nhạc dung tục thông qua việc dán nhãn là rất khó. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể dễ dàng bỏ qua hoặc tìm cách truy cập vào nội dung bị hạn chế thông qua các phương tiện kỹ thuật số và mạng xã hội.

Vì thế, để việc dán nhãn 18+ thực sự hiệu quả, cần có sự kết hợp chặt chẽ với vai trò giám sát của phụ huynh và giáo dục trong nhà trường. Phụ huynh cần được cung cấp thông tin và hướng dẫn về cách thức quản lý, giám sát nội dung mà con em mình tiếp cận.

Bên cạnh đó, các nền tảng phát hành âm nhạc, video trực tuyến cũng cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, như yêu cầu xác thực tuổi tác, cung cấp các công cụ kiểm soát nội dung cho phụ huynh và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nội dung.

Cuối cùng, nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc cũng cần có trách nhiệm đối với nội dung họ tạo ra và phát hành. Họ nên cân nhắc về tác động xã hội của sản phẩm âm nhạc và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cũng như quy định pháp luật.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để ngăn chặn triệt để tình trạng các ca khúc gợi dục, phản cảm phát hành tràn lan trên không gian mạng, cần có một chiến lược toàn diện, kết hợp nhiều giải pháp từ quản lý, kiểm soát, giáo dục đến sự tham gia của cộng đồng.

"Đối với quản lý, chúng ta cần có các quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn nữa về nội dung âm nhạc, đặc biệt là những nội dung liên quan đến tình dục và các yếu tố phản cảm. Đồng thời tăng cường kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng phát hành âm nhạc, video trực tuyến. Các nền tảng này nên có trách nhiệm và cơ chế để ngăn chặn việc phát hành những ca khúc không phù hợp” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Về công nghệ, các nền tảng cần sử dụng công nghệ AI và công nghệ mới khác để tự động phát hiện, ngăn chặn những nội dung không phù hợp trước khi chúng được phát hành rộng rãi. Các nền tảng cũng cần nâng cao hệ thống bảo mật để ngăn chặn việc phát tán nội dung vi phạm qua các kênh không chính thống.

Về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về đạo đức, văn hóa, giúp người trẻ hiểu rõ hơn về tác hại của các nội dung gợi dục, phản cảm và khuyến khích họ tiếp cận với các sản phẩm nghệ thuật lành mạnh. Cùng với đó, tổ chức các chương trình, hội thảo để nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về cách phân biệt và đánh giá nội dung âm nhạc phù hợp.

Về phía gia đình và cộng đồng, phụ huynh quan tâm, giám sát chặt hơn việc tiếp cận nội dung âm nhạc của con em mình. Phụ huynh cũng cần hướng dẫn, trao đổi với con cái về những giá trị đạo đức và cách tiếp cận nghệ thuật lành mạnh. Khuyến khích cộng đồng báo cáo các nội dung âm nhạc không phù hợp trên các nền tảng phát hành để giúp việc kiểm duyệt và loại bỏ các nội dung này trở nên hiệu quả hơn.

Nghệ sĩ và nhà sản xuất cần tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tránh việc phát hành các ca khúc có nội dung gợi dục, phản cảm. “Bên cạnh đó, nên học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc quản lý, kiểm soát nội dung âm nhạc không phù hợp. Trong đó xây dựng các cơ chế hợp tác để đối phó với việc phát hành và phát tán nội dung không phù hợp xuyên biên giới” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.