Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ đã sẵn sàng ra quyết định cuối cùng với INF vào hôm nay (1/2)

Hương Thảo (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát ngôn viên chính thức của NATO tuyên bố: "Chúng ta phải chuẩn bị cho một thế giới không Hiệp ước hạt nhân".

Mối quan hệ nhiều phần thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ cũng không thể cứu vãn Hiệp ước hạt nhân INF năm 1987.
Chính quyền Tổng thống Trump được cho là sẽ chính thức công bố quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước hạt nhân chiến lược tầm trung (INF) - vốn là trung tâm kiểm soát vũ khí siêu cường kể từ sau Chiến tranh Lạnh - khiến nhiều nhà phân tích lo ngại có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Quyết định của Washington đã được ấp ủ ​​trong nhiều tháng qua, sau nhiều năm tranh chấp khó giải quyết về việc Mỹ cho rằng Nga không tuân thủ hiệp ước INF trong khi Moscow một mực phủ nhận.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng 12 tuyên bố rằng Washington sẽ cho Moscow 60 ngày để đảm bảo lại việc tuân thủ trước khi đưa ra thông báo chính thức về việc đơn phương "xé bỏ" thỏa thuận. Thời hạn 60 ngày này sẽ hết hạn vào thứ 7 tới (2/2) và chính quyền Mỹ dự kiến ​​sẽ thông báo vào ngày trước đó, trong khi thực tế hiệp ước sẽ chính thức hết hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày tuyên bố.
TASS dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi INF của đối tác Mỹ, đồng thời nói thêm rằng Moscow vẫn sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp có ý nghĩa để cải thiện tình hình.
Viễn cảnh Mỹ rút khỏi hiệp ước INF đang gây lo ngại trên toàn cầu, khi mở ra nguy cơ về một cuộc cạnh tranh tên lửa mới giữa hai cường quốc quân sự của thế giới. Bên cạnh đó, một cuộc chạy đua vũ trang Mỹ - Trung tại địa châu Á cũng được dự báo sẽ nóng lên, khi các quan chức Mỹ vốn cho rằng Trung Quốc - quốc gia không tham gia hiệp ước năm 1987 - đang đạt được lợi thế quân sự đáng kể ở châu lục lớn nhất thế giới, bằng cách triển khai số lượng lớn tên lửa có phạm vi vượt quá giới hạn INF.