“Trên thực tế, tuyến đường ống trung chuyển qua Ukraine đủ công suất để đáp ứng nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Nga nhiều lần khẳng định rằng sẵn sàng bổ sung nguồn cung mặt hàng này cho châu Âu, vì vậy Moscow cần sớm thực hiện việc tăng sản lượng khí đốt thông qua Ukraine”, Amos Hochstein - Cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV hôm 21/9.
Theo ông Hochstein, nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu là “thấp một cách vô lý so với sản lượng trung bình trong 2 năm gần đây”.
Ông Hochstein lưu ý thêm rằng việc tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom từ chối tăng sản lượng khí đốt trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine vào tháng 10 tới sẽ gia tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung năng lượng tại châu Âu.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng kỷ lục hồi tuần trước khi nhảy vọt lên tới 963,9 USD/1.000m3 đối với hợp đồng giao tháng 10. Trong phiên ngày 20/9, giá mặt hàng năng lượng này đã giảm xuống còn 911,2 USD/1.000m3.
Cùng ngày, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng kêu gọi Nga cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong bối cảnh giá năng lượng trên lục địa này tăng cao kỷ lục và một số quốc gia có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện khi mùa Đông bắt đầu.
IEA cho rằng Nga có thể làm nhiều hơn nữa để tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu và đảm bảo lượng dự trữ để chuẩn bị cho mùa Đông tới, giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Theo IEA, đây là cơ hội để Nga thể hiện vai trò là nhà cung cấp đáng tin cậy của thị trường châu Âu.
Cơ quan này nói thêm rằng, mặc dù Nga đang hoàn thành những hợp đồng dài hạn với các đối tác châu Âu, song xuất khẩu khí đốt của nước này sang châu Âu đã giảm so với mức năm 2019.
Một số doanh nghiệp khí đốt cho rằng giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh trong thời gian qua một phần do tập đoàn Gazprom đã hạn chế số lượng bán ra cho châu Âu trên thị trường giao ngay.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller hồi tuần trước khẳng định, công ty này vẫn đang thực hiện nghĩa vụ của mình và sẵn sàng tăng sản lượng nếu cần. Tuy nhiên, lãnh đạo Gazprom cảnh báo giá khí đốt có thể tiếp tục tăng vào mùa Đông do thiếu các cơ sở khai thác dưới lòng đất. Theo hãng tin Tass, tính đến ngày 19/9, lượng dự trữ khí đốt chỉ đạt 72%, thấp hơn gần 14% so với mức dự trữ trong 5 năm qua.
Cũng theo IEA, một nguyên nhân khác khiến giá tăng là do nhu cầu khí hóa lỏng tự nhiên tăng cao ở châu Á, vì vậy thắt chặt nguồn cung trên toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang xem xét cho phép Rosneft, công ty dầu khí quốc doanh của nước này, cung cấp khí đốt cho châu Âu.