Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai dồn lực ứng phó bão số 4

Phương Nga - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ứng phó với bão số 4, các huyện Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai đã chỉ đạo các lực lượng ứng trực và theo dõi sát diễn biến mưa bão, sẵn sàng xử lý mọi tình huống xảy ra.

Bể hút tại trạm bơm Lại Thượng 2 (huyện Thạch Thất) đã cạn nước.
Ngày 15/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện Mỹ Đức đã gửi công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy PCTT các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ và cảnh báo kịp thời đến người dân, nhất là các xã giáp Hòa Bình như An Phú, Hợp Tiến, Hợp Thanh để chủ động phòng tránh. Trước đó, Ban chỉ huy PCTT - TKCN cũng tiến hành kiểm tra toàn bộ các công trình thủy lợi, đặc biệt là rà soát các đoạn đê xung yếu có nguy cơ bị tràn trên địa bàn để có phương án gia cố.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết: “Huyện yêu cầu Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức tiến hành tiêu nước đệm trên toàn bộ hệ thống sông, hồ từ ngày 11/7. Hiện, lượng nước ở các sông, hồ lớn trên địa bàn cũng như nước trong đồng đều đã được tháo cạn”. Về công tác khắc phục sự cố trước đó do cơn bão số 3 gây ra, huyện đã bố trí lực lượng nạo vét, trải bạt, chèn bao cát chống tràn tại các trạm bơm Đức Môn, Đốc Tín, bờ hữu đê Mỹ Hà đoạn qua Hợp Thanh - Hợp Tiến”.

Là một trong 3 xã của huyện Mỹ Đức bị ngập cục bộ do cơn bão số 3 vừa qua nên Hợp Thanh đã thực hiện phương án ứng phó với cơn bão số 4 từ sớm. Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh Nguyễn Văn Duân cho hay: “Hiện, các hộ dân có nhà cửa thấp trũng ở thôn Phú Hiền đều đã được di dời đến những nơi cao hơn. Địa phương cũng đã có phương án xử lý nếu xảy ra ngập úng và phương án đảm bảo an toàn về tính mạng cũng như giảm thiệt hại thấp nhất cho người dân”.
Tại huyện Thạch Thất, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện đã yêu cầu Xí nghiệp Thủy lợi huyện theo dõi, vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước. Cùng với đó, chủ động kiểm tra máy móc, thiết bị, bố trí công nhân trực 24/24 giờ, sẵn sàng vận hành các công trình chống úng ngập, trạm bơm tiêu, cống tiêu tự chảy, giải tỏa các vật cản đảm bảo tiêu nước hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị chiều 16/8, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Nguyễn Doãn Tuyến cho biết, lượng mưa đo được trên địa bàn huyện trong 2 ngày 15 - 16/8 chỉ đạt khoảng 30mm, chưa gây ngập úng cho diện tích nào. Trong ngày 16/8, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Thạch Thất tiếp tục duy trì trực ban và đi kiểm tra một số công trình trạm bơm, hồ đập nhưng chưa phải vận hành tiêu úng.

Từ đầu năm đến nay, huyện Thạch Thất cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, bố trí vốn để đầu tư, tu sửa nâng cấp các công trình phòng chống bão, lụt, xử lý các vi phạm công trình đê điều và thủy lợi. UBND huyện tổ chức 6 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra phương án, công tác chuẩn bị cho PCTT - TKCN tại 23/23 xã, thị trấn. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các xã, thị trấn đã nghiêm túc chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần, lực lượng để sẵn sàng ứng phó với thiên tai có thể xảy ra.
Huyện Quốc Oai huy động lực lượng gia cố đê trong đợt mưa bão số 3
Tại huyện Quốc Oai, ông Phạm Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện cho biết: Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 4, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Quốc Oai đã phát đi Công điện khẩn số 03/CĐ-BCH yêu cầu các ban ngành liên quan, các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các tuyến đê, cống dưới đê các công trình thủy lợi, tổ chức gia cố, sửa chữa, bổ sung, khắc phục ngay sự cố do cơn bão số 3 gây ra mới đây. Chủ động bổ sung đầy đủ vật tư, dụng cụ, phương tiện phòng chống thiên tai theo phương án 4 tại chỗ đã được phê duyệt.

Cùng với đó, phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích, Xí nghiệp thủy lợi Quốc Oai tổ chức bơm tát hết nước đệm trong đồng, hỗ trợ khơi thông dòng chảy, vớt bèo rác sẵn sàng đảm bảo tiêu thoát úng trên địa bàn; kiểm tra và có các biện pháp bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân ở những vùng trũng thấp có khả năng úng ngập, vùng có nguy cơ sạt lở. Tổ chức kiểm tra hồ đập trên địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời mọi sự cố, bảo đảm an toàn đê, kè, cống, hồ, đập, các công trình PCTT, các công trình đang xây dựng dở dang.

Phòng Kinh tế - Thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện khẩn trương phối hợp với UBND các xã, thị trấn đánh giá, tổng hợp tình hình thiệt hại về đê điều, công trình thủy lợi trong thời gian qua. Tham mưu UBND huyện xử lý kịp thời các vị trí đê, công trình thủy lợi, điểm phòng chống' lụt bão xung yếu, thực hiện tốt phương án phòng chống thiên tai đã phê duyệt. Tổ chức thường trực nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ mọi thông tin về mưa, bão, lũ, để báo cáo kịp thời về UBND huyện và Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện theo quy định. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức thường trực nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ mọi thông tin về mưa, lũ để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, úng ngập về Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện theo quy định.

Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão trên địa bàn huyện Quốc Oai có 1.816ha lúa, 430ha cây màu, cây ăn quả bị ngập, 550ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 58 trang trại bị ngập sâu trong nước. Sau khi nước rút, toàn huyện có 874ha lúa bị mất trắng, 51ha cây rau màu không có khả năng hồi phục, trên 215ha cây lâu năm bị rụng quả, vàng lá. Thiệt hại về chăn nuôi trên địa bàn là 33.000 con gia súc, gia cầm và 408ha nuôi trồng thủy sản. Thời điểm này, Nhân dân trên địa bàn huyện vẫn đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão, tổng vệ sinh môi trường.