Trong bối cảnh vụ bê bối liên quan hoạt động do thám trực tuyến và gián điệp của Mỹ đối với các nước châu Âu đang gây ra những rạn nứt nhất định trong quan hệ đồng minh truyền thống này, ngày 8/7, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Tiến trình đàm phán được dự báo sẽ gặp nhiều trở ngại, song nếu thành công, TTIP sẽ cho ra đời một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 820 triệu người tiêu dùng.
Theo tuyên bố chính thức, cuộc gặp song phương tại thủ đô Washington tập trung vào nội dung thắt chặt quan hệ thương mại giữa hai khu vực kinh tế hàng đầu thế giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: wita.org)
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman khẳng định TTIP sẽ mang lại cơ hội phát triển vượt bậc cho hai nền kinh tế Mỹ, EU, không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương nói riêng mà còn mang lại lợi ích cho hệ thống thương mại toàn cầu nói chung.
Trong khi đó, tại Geneva (Thụy Sĩ), Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Karel De Gucht bày tỏ tin tưởng TTIP sẽ là một bước tiến tích cực giúp Khu vực đồng tiền chung châu Âu thực sự thoát khỏi khủng hoảng, thông qua đòn bẩy chính là tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo con đường phía trước hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này khó tránh khỏi sóng gió do giữa Mỹ và EU vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng về chương trình đàm phán. Ngay từ thời điểm thỏa thuận, Washington đã đặt ra "giới hạn đỏ" không muốn đàm phán nội dung quy chế tài chính do lo ngại các quy định quản lý ngân hàng EU quá "lỏng tay". Pháp nêu điều kiện tiên quyết là các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, băng đĩa và truyền thông số sẽ không được đưa vào thành một nội dung trong TTIP. Ngoài ra, các vấn đề như quy chế ưu đãi mà chính phủ Mỹ dành cho các doanh nghiệp địa phương và châu Âu từ chối mở cửa đối với các mặt hàng công nghệ sinh học, đặc biệt là các loại thực phẩm biến đổi gen, của Mỹ cũng sẽ là những rào cản trong đàm phán song phương.
Bên cạnh đó, vụ bê bối do thám tình báo Mỹ đối với các nước đồng minh châu Âu vẫn đang phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ-EU. Mặc dù không có thông tin chính thức nào về các cuộc thảo luận liên quan đến an ninh diễn ra bên lề cuộc đàm phán, hãng thông tấn Pháp AFP dẫn một số nguồn tin cho biết giới chức an ninh và tình báo Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tư pháp Mỹ, bàn về vấn đề thu thập thông tin tình báo, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân.
Việc tổ chức các cuộc gặp bên lề này là một bước đi nhượng bộ của Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm đảm bảo tiến trình đàm phán TTIP không rơi vào tình trạng bế tắc. Trước đó, thông tin từ cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cho biết các cơ quan mật vụ Mỹ đã thâm nhập mạng thông tin của các cơ quan đại diện của EU tại Washington và New York cũng như trụ sở Hội đồng châu Âu tại Brussels (Bỉ) đã làm bùng lên làn sóng phản đối tại nhiều nước châu Âu.
Phản ứng trước tiết lộ trên, các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố sẽ tiến hành đàm phán TTIP theo đúng kế hoạch với điều kiện Mỹ phải chấp thuận đề nghị tổ chức đồng thời một cuộc thảo luận về các hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Brussels cũng gửi thư tới Washington cảnh báo nếu Mỹ không cam kết sẽ "tuân thủ đúng luật pháp" trong chương trình do thám của mình, EU có thể sẽ cân nhắc lại hai nội dung trao đổi thông tin chính về hành khách các chuyến bay và thông tin tài chính mà Mỹ yêu cầu.
TTIP, nếu đàm phán thành công, sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, mỗi năm có thể làm tăng thêm từ 0,5% đến 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho cả hai bên, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm mới. Kinh tế Mỹ-EU hiện chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại của toàn cầu. Nghiên cứu gần đây của Trung tâm châu Âu ước tính, hiệp định thương mại Mỹ-EU khi có hiệu lực có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ euro (tương đương 150 tỷ USD) mỗi năm và mang lại cho nền kinh tế Mỹ 95 tỷ euro mỗi năm. Năm 2012, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vũ giữa Mỹ và EU đạt gần 1.000 tỷ USD và tổng đầu tư lên tới 3.700 tỷ USD.
Giới chức hai bên hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận vào năm 2014, trước thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành bầu Chủ tịch mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tiến trình đàm phán nhiều khả năng sẽ kéo dài đến năm 2015./.