Lệnh này được áp dụng chủ yếu cho các nhà ngoại giao toàn thời gian được gửi đến Iraq bởi trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington, trong khi một tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad nói rằng các dịch vụ thị thực ở Iraq sẽ bị đình chỉ. Các nhà cung cấp an ninh, thực phẩm và một số dịch vụ khác vẫn được giữ nguyên.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, chính quyền đã nhận được thông tin tình báo liên quan đến hoạt động của Iran có nguy cơ khiến các cơ sở và nhân viên phục vụ của Mỹ ở Iraq và Syria gặp rủi ro đáng kể. Tuy nhiên, các quan chức Iraq đã nhanh chóng lên tiếng hoài nghi về mối đe dọa mà Washington mô tả.
"Không có bất cứ mối đe dọa gia tăng nào từ các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria", Thiếu tướng Chris Ghika - Phó chỉ huy người Anh của liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo IS - phát biểu từ Baghdad với các phóng viên tại Lầu Năm Góc qua một cuộc gọi video. Ông Pompeo sau đó đã có chuyến thăm ngoài kế hoạch tới Baghdad vào ngày 7/5 để cảnh báo các nhà lãnh đạo Iraq về mối đe dọa này.
Lệnh sơ tán một phần của đại sứ quán Baghdad hôm 15/5 là một biến động lớn nhất trong hệ thống ngoại giao Mỹ kể từ khi Chiến tranh Iraq kết thúc, dự kiến sẽ làm tăng thêm căng thẳng giữa Washington và Tehran.
New York Times dẫn lời nhiều chuyên gia nhận định, chính quyền Trump, mà đặc biệt dẫn đầu là Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, nhiều khả năng đã đề nghị các quan chức Mỹ trình bày thông tin tình báo sai sự thật để gây chiến với Iran, tương tự cách mà chính quyền Tổng thống George Bush đã làm vào năm 2002 để biện minh cho cuộc xâm lược Iraq.
Ông Bolton, khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng tống Bush "con", đã luôn khẳng định rằng Nhà lãnh đạo lúc đó của Iraq, Saddam Hussein, đang cố gắng phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.