Mỹ muốn truy tố Giám đốc tài chính Huawei tội vi phạm lệnh cấm vận với Iran

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Tài chính của Huawei đang phải đối mặt với cáo buộc che giấu mối quan hệ của tập đoàn này với một doanh nghiệp khác có ý định bán sản phẩm cho Iran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.

Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn Huawei, bà Meng Wanzhou, đã có mặt trong phiên điều trần tại tòa án Vancouver, Canada hôm 7/12 nhằm thảo luận về khả năng được bảo lãnh tại ngoại sau khi dính cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
 Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn Huawei, bà Meng Wanzhou, đã bị bắt giữ hôm 1/12 tại Canada.
Công tố viên Canada nghi ngờ CFO Meng Wanzhou và cũng là con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei, đã gian lận tài chính sau khi hãng tin Reuters đưa tin rằng tập đoàn này có mối liên hệ chặt chẽ với công ty Skycom vào năm 2013, một hãng đã có ý định bán các thiết bị của Mỹ cho Iran mặc cho lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU.
Huawei và công ty công nghệ Skycom là 2 tổ chức hoàn toàn riêng biệt nhưng trên thực tế Skycom lại trực thuộc Huawei trong thời gian này.
Các công tố viên Mỹ khẳng định bà Mạnh đã không thành thật với các ngân hàng đã thăm dò về mối quan hệ giữa hai công ty. Nếu bị dẫn độ về Mỹ, bà Mạnh sẽ phải đối mặt với những tội danh lừa đảo nhiều tổ chức tài chính khác nhau và có thể khiến bà phải ngồi tù tối đa 30 năm.
Sau gần 6 giờ thảo luận, tòa án Vancouver vẫn chưa thể quyết định liệu bà Meng có thể được bảo lãnh hay không. Phiên điều trần tiếp theo sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 10/12 tới.
Bà Meng, 46 tuổi, đã bị bắt giữ ở Canada vào ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ. Vụ bắt giữ CFO của Huawei diễn ra cùng ngày diễn ra  cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 để tìm cách giải quyết chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thông tin CFO của tập đoàn Huawei bị bắt đã khiến thị trường chứng khoán thế giới rung lắc mạnh. Chính phủ Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ việc bắt bà Meng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump và các cố vấn kinh tế khẳng định rằng vụ việc này không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi hai nhà lãnh đạo đã đồng ý “đình chiến” thương mại.
Mỹ có 60 ngày để đưa ra yêu cầu dẫn độ đối với bà Meng. Sau khi nhận được yêu cầu, một thẩm phán Canada sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ quyết định có giao bà cho phía Mỹ hay không.
Người phát ngôn của Huawei hôm 7/12 cho biết tập đoàn này “tin tưởng tuyệt đối rằng cơ quan tư pháp Canada và Mỹ sẽ có kết luận đúng đắn về vụ việc”.
Trước đó Huawei khẳng định rằng họ tuân thủ mọi ràng buộc về xuất khẩu, các nghị quyết cấm vận và các thủ tục hiện có trên thế giới.
Việc bà Meng bị bắt có liên quan đến Skycom Tech, một công ty của Hồng Kông có trụ sở ở thủ đô Tehran, Iran và là một công ty mà Huawei gọi là một trong những “đối tác chính” ở Iran.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần