Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ ngừng ưu đãi thương mại cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhắc thương vụ S-400 Nga

Hương Thảo (Theo Reuters/RFERL)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Động thái của chính quyền Trump đã làm lớn thêm những rạn nứt trong mối quan hệ 2 nước vốn đã nhiều căng thẳng, bao gồm xung đột lợi ích ở Syria và đặc biệt là kế hoạch mua hệ thống tên lửa Nga của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng. 
Washington hôm 16/5 đã chấm dứt ưu đãi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ - từng cho phép một số hàng xuất khẩu được miễn thuế vào Mỹ, tuy nhiên đã giảm một nửa thuế quan đối với nhập khẩu thép Thổ Nhĩ Kỳ xuống còn 25%.
Nhà Trắng cho biết việc chấm dứt tư cách tham gia chương trình Hệ thống ưu đãi tổng quát (GSP) của Thổ Nhĩ Kỳ là phù hợp, dựa trên mức độ phát triển kinh tế của nước này. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (17/5).
Tuy nhiên, Ankara đã hy vọng rằng Washington sẽ không đi đến quyết định này, và nói rằng nó sẽ đi ngược lại mục tiêu 75 tỷ USD thương mại song phương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đưa ra.
Trong cuộc tranh luận hồi năm ngoái, ông Trump đã áp đặt mức thuế cao hơn đối với nhập khẩu thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ hòng gây áp lực kinh tế để buộc đồng minh NATO phải trả tự do cho Andrew Brunson - một mục sư người Mỹ bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ vì tội khủng bố. Mục sư Brunson sau đó đã được phóng thích vào tháng 10 năm ngoái.
Động thái của chính quyền Trump đã khiến đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng khó khăn, làm lớn thêm những rạn nứt trong mối quan hệ hai nước vốn đã nhiều căng thẳng, bao gồm xung đột lợi ích ở Syria và đặc biệt là kế hoạch mua hệ thống tên lửa Nga của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là thành viên NATO, đang tham gia sản xuất máy bay chiến đấu F-35 để sử dụng cho quân đội liên minh và có kế hoạch tự mua 100 máy bay này. Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng cả 2 điều này có thể bị hủy bỏ nếu Ankara thông qua thỏa thuận mua S-400 của Nga. Một nhóm lưỡng đảng gồm các nhà lập pháp cấp cao của Mỹ đã ra lời kêu gọi với Ankara về vấn đề này vào đúng hôm Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi GSP.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 120 quốc gia tham gia GSP - chương trình ưu đãi thương mại lâu đời nhất và lớn nhất của Mỹ, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế ở các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên bằng cách loại bỏ thuế trên hàng nghìn sản phẩm.
Mỹ đã nhập 1,66 tỷ USD trong năm 2017 từ Thổ Nhĩ Kỳ theo chương trình GSP, chiếm 17,7% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Các loại hàng nhập khẩu GSP hàng đầu là xe và phụ tùng xe, trang sức và các mặt hàng về đá.