Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ - Nhật nhất trí thắt chặt quan hệ đồng minh an ninh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thủ tướng Nhật Abe và Tổng thống Mỹ Obama đã nhất trí thắt chặt hơn nữa liên minh an ninh giữa hai nước và tiếp tục cứng rắn với Triều Tiên trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tại Washington.

Tuyên bố trên được đưa ra tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng vào sáng sớm 23/2 (theo giờ Việt Nam).
 
Cuộc họp diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Nhật Abe kể từ khi ông lên nhậm chức tháng 12 vừa qua. Trước đó, ông Abe đã cho biết với các phóng viên, ông muốn tuyên bố lòng tin trong liên minh Mỹ-Nhật và mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa hai nước đã hoàn toàn được phục hồi. Trong bài phát biểu cùng ngày tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Nhật Bản đã trở lại”. Chuyến công du Mỹ là dịp để ông thử nghiệm độ bền chặt của liên minh với Mỹ.
 
Mỹ - Nhật nhất trí thắt chặt quan hệ đồng minh an ninh - Ảnh 1
 
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe nhấn mạnh Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy ổn định và tăng trưởng kinh tế tại Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Trong khi đó Tổng thống Obama khẳng định Nhật chắc chắn là một trong những đồng minh thân cận của Mỹ và liên minh của họ là nền tảng trọng tâm của ổn định an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh ông và ông Abe đã có các cuộc thảo luận chi tiết về vấn đề an ninh, trong đó khẳng định quyết tâm chống các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Tổng thống Obama cho biết: "Chúng tôi nhất trí rằng ưu tiên số 1 của 2 nước là đảm bảo tăng trưởng và mọi người đều có cơ hội thịnh vượng nếu nỗ lực làm việc. Chúng tôi sẽ thảo luận một loạt các vấn đề cũng như các biện pháp có thể tiến hành tại từng nước để thúc đẩy thương mại và tăng trưởng, tạo cơ hội lớn hơn nữa cho cả Mỹ và Nhật Bản”.
 
Về phần mình, Thủ tướng Abe khẳng định, lòng tin trong quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ đã được khôi phục và Tokyo sẽ tiếp tục hành động một cách  điềm tĩnh trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông Abe cho biết, Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác để đối phó một cách cương quyết với Triều Tiên, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt về tài chính. 
 
Theo ông Abe, ông và Tổng thống Mỹ đã nhất trí vụ phóng tên lửa và vụ thử hạt nhân của Triều Tiên mới đây là không thể chấp nhận. Ông cũng cho biết thêm họ đã đồng ý phối hợp để đệ trình một nghị quyết mới lên Liên hợp quốc, thắt chặt trừng phạt Triều Tiên.
 
Về các hoạt động của Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông, ông Abe cho rằng môi trường chiến lược ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đang trở nên ngày một nghiêm trọng. Theo ông, Mỹ và Nhật phải bảo vệ các vùng biển tự do theo hiệp ước an ninh của hai nước, tạo ra trật tự theo luật pháp, chứ không phải bằng vũ lực.
 
Ông Abe cũng cho biết ông và ông Obama đã nhất trí liên minh Mỹ-Nhật đóng góp vào an ninh và sự ổn định của khu vực. Ông cho biết thêm, ông đã nói với ông Obama rằng Nhật sẽ phản ứng kiềm chế đối với bất kỳ tình huống bất ngờ nào, như đã thực hiện trước đây.Trên lĩnh vực năng lượng, ông Abe đề nghị Tổng thống Obama phê duyệt việc xuất khẩu khí đốt từ Mỹ sang Nhật Bản nhằm giảm chi phí nhiệt điện vốn đang tăng mạnh từ sau khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy Fukushima Daiichi năm 2011, khiến Nhật Bản đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân do lo ngại về an toàn.
 
Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng, Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục đàm phán về việc Nhật Bản tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận tương mại tự do do Mỹ khởi xướng với sự tham gia của một số nước châu Mỹ và châu Á, trong đó có Việt Nam. Gia nhập TPP là một trong những ưu tiên của Thủ tướng Abe với mục đích khuyến khích cạnh tranh để khôi phục kinh tế trong nước.
 
Hiện tại Mỹ đang rất muốn Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường thịt bò, bảo hiểm và ô tô cho Mỹ và Mỹ xem Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội để thực hiện các mục tiêu này. Tuy nhiên, đối với Thủ tướng Abe, đây lại là một vấn đề nan giải. Bởi lẽ, một mặt TPP đang vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sỹ và cả một số bộ trưởng trong chính phủ của ông do lo ngại Hiệp định này sẽ ảnh hưởng đến thị trường nông sản của nước này, vấp phải sự phải đối của nông dân Nhật do lo ngại việc mở cửa thị trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nông sản của họ. Các nhà sản xuất xe hơi Mỹ cũng đang yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường ô tô nội địa để tạo cạnh tranh công bằng khi gia nhập TPP. Mặt khác, giới công nghiệp xuất khẩu Nhật Bản lại ủng hộ việc tham gia hiệp định do lo ngại Nhật Bản sẽ mất sức cạnh tranh nếu không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
 
Chuyến thăm Mỹ của ông Shinzo Abe được coi là một nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh giữa 2 nước trong bối cảnh tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày một leo thang và Triều Tiên vừa thử hạt nhân lần thứ 3. Chuyến công du Mỹ thu được kết quả khả quan là lời khẳng định với cử tri Nhật Bản về khả năng đối ngoại của Thủ tướng Abe, bên cạnh các chính sách điều hành kinh tế được người dân đánh giá cao trong thời gian qua. Sự thống nhất về những vấn đề quốc tế trong nhiều cuộc hội đàm giữa các quan chức Nhật - Mỹ đã diễn ra cho thấy hai nước vẫn là đồng minh truyền thống quan trọng của nhau.
 
Phát biểu trước chuyến thăm, Thủ tướng Abe nói sự ủng hộ của Mỹ đóng vai trò thiết yếu đối với Nhật Bản trong việc giải quyết các vấn đề này. Trước lên đường  tới Mỹ, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói rằng việc thách thức các láng giềng về lãnh thổ đã trở thành nhu cầu “thâm căn cố đế” của Trung Quốc. Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngay trước khi ông Abe tới Washington để hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thúc đẩy liên minh Mỹ-Nhật. Trung Quốc đã yêu cầu phía Nhật giải thích về các bình luận đó. Dù phía Nhật nói rằng tờ báo Mỹ đã chuyển ngữ sai ý của Thủ tướng Abe thì lần nữa thấy mối quan hệ giữa 2 “người khổng lồ” châu Á đã trở nên căng thẳng vì cuộc tranh chấp lãnh thổ, vốn gây ra các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc hồi năm ngoái. Các cuộc biểu tình và tẩy chay hàng hoá đã khiến các doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Trung Quốc bị tổn hại nghiêm trọng. Một số nhà quan sát đã cảnh báo rằng các căng thẳng ngoại giao có thể dẫn tới xung đột quân sự, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong khu vực.
 
Hồi tháng trước, Nhật Bản cho biết một tàu chiến Trung Quốc đã ngắm bắn radar vào một tàu Nhật Bản và một tàu khác của Trung Quốc ngắm bắn vào một trực thăng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gọi những hành động đó là “khiêu khích” và “nguy hiểm”. Hãng tin Kyodo dẫn một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết Mỹ có thể tham chiến trực tiếp nếu xảy ra một xung đột quân sự giữa Nhật Bản và Trung Quốc vì vấn đề tranh chấp đảo. Trả lời các phóng viên hôm 21/2, ông Danny Russel, giám đốc cấp cao về khu vực Châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, cho biết tình hình quan hệ Nhật- Trung có ảnh hưởng không nhỏ tới Mỹ, cũng như tới các quốc gia khác trong khu vực. Theo ông Russel, ổn định tại Hoa Đông và rộng hơn nữa là khu vực Châu Á Thái Bình Dương là một trong những quan tâm hàng đầu của Mỹ. Còn theo giám đốc Công ty tư vấn địa chính trị Eurasia Group – ông Ian Bremmer thì trong bối cảnh hiện nay, Mỹ đang hành động theo cách chứng tỏ họ lo ngại về một thách thức Trung Quốc trong khu vực. Đây là nỗ lực chiến lược lớn nhất mà chính quyền Obama đang tham gia, nếu nhìn từ quan điểm chính sách đối ngoại.
Trong một diễn biến khác, khi Thủ tướng Nhật tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ, ông Tập Cận Bình được cho là quyết định sẽ đến Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dù chưa có xác nhận chính thức nhưng theo Đài tiếng nói nước Nga, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến Moscow hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov để chuẩn bị cho chuyến thăm. Trước đó, giới chức Nga úp mở về ý định bán hệ thống phòng không hiện đại S-400 cho Trung Quốc. Hãng tin AFP dẫn lời giới phân tích cho rằng việc tăng cường quan hệ toàn diện với Trung Quốc là ưu tiên chính của Nga trong bối cảnh quan hệ Maskva - phương Tây đang gặp trắc trở.