Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 15/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 94,72 USD/thùng, giảm 0,74 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 95,76 USD/thùng, giảm 0,72 USD/thùng trong phiên.
Phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường dầu thô đặt cược vào khả năng Mỹ sẽ sớm gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran khi vòng đàm phán hạt nhân có thêm bước tiến triển khiến giá dầu ngày 15/2 giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư cũng tin rằng, dầu Iran sẽ sớm được trở lại thị trường khi mà Mỹ thời gian qua cũng đang rất nỗ lực để tìm cách hạ nhiệt giá dầu.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do nguồn cung dầu sẽ được cải thiện mạnh thời gian tới khi hoạt động sản xuất được đẩy mạnh. Số lượng giàn khoan được Baker Hughes công bố hồi cuối tuần qua cho thấy, Mỹ đã bổ sung thêm 22 giàn khoan kể từ tuần trước, nâng tổng số giàn khoan lên 635. Sự gia tăng 238 giàn khoan so với năm ngoái và nâng tổng số giàn khoan của Bắc Mỹ lên 854. So với con số thấp kỷ lục của Mỹ là 244 vào tháng 8/2020, số lượng giàn khoan đã tăng 160%.
Trong khi đó, Canada thêm một lên tổng số 219 kể từ tuần trước và các quốc gia khác thêm bảy lên tổng số 841 kể từ tháng trước. Số lượng giàn khoan của Canada đã tăng 43 trong năm qua và các giàn khoan quốc tế khác đã tăng 164. Trong số 22 giàn khoan được bổ sung ở Mỹ, 13 giàn ở Texas. Utah, Pennsylvania, Oklahoma và North Dakota đều chứng kiến số lượng giàn khoan tăng lên, trong khi Louisiana và Tây Virginia đều giảm một.
Giá dầu hôm nay còn chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn khi nhiều nhà đầu tư tìm đến các tài sản đảm bảo trong bối cảnh rủi ro địa chính trị toàn cầu leo thang.
Ngược lại, giá dầu vẫn đang nhận được sự hỗ trợ lớn bởi giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng cao. Giá khí đốt tự nhiên trong các hợp đồng kỳ hạn tháng 3 được giao dịch tại TTF, điểm giao dịch khí đốt tự nhiên có trụ sở tại Hà Lan, đóng cửa vào tuần trước ở mức khoảng 77 euro (87,16 USD)/MWh đã tăng 14% vào hôm nay (14/2) lên 88 euro (99,62 USD)/MWh.
Giá dầu thô đã tăng mạnh trong những tuần giao dịch gần đây khi thị trường lo ngại sự leo thang căng thẳng Nga - Ukraine và tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu, thậm chí có thể đẩy kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức chênh lệch sản lượng thực tế và sản lượng mục tiêu của OPEC+ đã được nới rộng lên 900.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022. Còn theo JP Morgan (Mỹ), con số này của OPEC hiện là 1,2 triệu thùng/ngày.
Trong khi nguồn cung dầu chậm được được cải thiện, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3,8 đến 4 triệu thùng/ngày trong năm 2022.