Tuy nhiên, CM 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức với giới mỹ thuật trong việc cập nhật các ứng dụng khoa học công nghệ. Vấn đề này được đưa ra thảo luận tại Hội thảo khoa học “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm” do Bộ VHTT&DL tổ chức.
Cập nhật công nghệ
Trong thời đại 4.0, công nghệ đã thu hút nhiều nhiếp ảnh gia, họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ âm thanh thử nghiệm trong sáng tác để tạo nên những hiệu ứng khác lạ về ánh sáng, hình ảnh, tính hoành tráng. Trước kia, người sáng tạo tác phẩm mỹ thuật phải cảm nhận màu sắc, hình ảnh bằng các giác quan cả trong quá trình sáng tạo và thưởng thức…
Ngày nay, với công nghệ, người nghệ sĩ có thể tạo ra, hoặc chỉnh sửa, thay đổi, không cần phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng tự nhiên, không phụ thuộc vào chất liệu sáng tác mà vẫn có thể tạo nên chất cảm về sơn, độ óng mịn của giấy hay lụa, chất xù xì của vỏ cây... bằng công nghệ.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Bùi Thanh Mai: Trong bối cảnh CM 4.0, mỹ thuật Việt Nam cũng đã xuất hiện ngày một nhiều hơn các dự án, triển lãm, tác phẩm nghệ thuật sử dụng công nghệ kỹ thuật số, internet như: Dự án nghệ thuật “Into Thin Air” do không gian nghệ thuật Manzi điều phối thực hiện năm 2016; triển lãm “Thực tế tăng cường” năm 2018, tại L’Espace; hay triển lãm “Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm” năm 2019, Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA. Điểm chung của các dự án này là khai thác sử dụng các ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả sống động khi trải nghiệm tác phẩm.
Trong “Into Thin Air 1”, 10 tác phẩm bao gồm sắp đặt tương tác, video art, sắp đặt âm thanh tại 10 địa điểm trong TP. Các tác phẩm đã sử dụng phần mềm ứng dụng điện thoại thông minh được dùng như bản đồ truy lùng kho báu cho phép công chúng truy tìm các tác phẩm.
Còn ở triển lãm “Thực tế tăng cường”, thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động, các tác phẩm trưng bày trong triển lãm trở nên sống động khi công chúng nhìn qua màn hình điện thoại. Như vậy, đồng thời cùng lúc người xem thưởng thức đan xen giữa sản phẩm thủ công và công nghệ số.
Công tác đào tạo lạc hậu
Đến nay, có thể thấy hầu hết các công nghệ đương đại trên thế giới đều liên quan tới cuộc CM 4.0. Tuy nhiên, việc đào tạo mỹ thuật của Việt Nam chưa phản ứng với xu thế phát triển chung đó. Chương trình đào tạo lạc hậu, bị giới hạn và trở nên cứng nhắc bởi các nguyên tắc và quy trình quản lý ở các cấp. Hệ thống cơ sở vật chất hiện có và nhận thức về đầu tư cơ sở vật chất đang ở khoảng cách xa so với sự phát triển của mỹ thuật hiện nay và đòi hỏi của thế hệ người học thiên niên kỷ mới - những con người được gọi là “công dân kỹ thuật số”.
Theo PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương - Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Đào tạo mỹ thuật đang đối mặt sự thay đổi các khía cạnh đời sống đang diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam không thể nào thích ứng được hay phải đáp ứng với tất cả những thay đổi mới đó. Song, có một điều thấy rõ rằng, kiến thức và kỹ năng được cung cấp cho người học bằng các phương pháp, phương tiện thông thường trước kia đã trở nên khá xa với đòi hỏi của xã hội ngày nay. Thế hệ sinh viên thiên niên kỷ mới là thế hệ sinh ra trong hoàn cảnh mà mỗi cá nhân là một người học độc lập. Họ rất linh hoạt và dễ thích ứng.
Nhìn chung, các cơ sở đào tạo mỹ thuật cần nhìn rõ những thay đổi từ CM 4.0 như những tín hiệu tích cực, có lợi trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo. Đó không chỉ là thay đổi quan niệm về xây dựng chương trình, đầu tư cơ sở vật chất và phương pháp đào tạo, mà còn cần cả nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và giảng viên. Vai trò của giảng viên không chỉ là cung cấp kiến thức như trước mà còn là người định hướng, tư vấn và phát triển người học theo hướng xây dựng một cá tính sáng tạo và có trách nhiệm trong tương lai.