Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ tiếp tục kêu gọi OPEC tăng nguồn cung dầu ngay lập tức

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm vừa hối thúc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng mạnh nguồn cung ngay lập tức để hạ nhiệt giá “vàng đen”.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm. Ảnh: AP  
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC nhân dịp dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland (Anh) hôm 5/11, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nhấn mạnh: "Thông điệp quan trọng chúng tôi muốn gửi tới OPEC là họ cần tăng thêm sản lượng ngay thời điểm hiện tại để kìm hãm đà leo dốc của giá dầu mỏ trong những tháng mùa đông sắp tới".
Theo Bộ trưởng Granholm, sản lượng của các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã giảm trong những năm gần đây, đặc biệt ngay trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát do họ không đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khai thác mới.
Giá dầu hiện tiệm cận mức cao nhất trong vòng 7 năm qua ngay ở thời điểm hoạt động kinh tế còn chưa quay trở lại mức trước tiền đại dịch Covid-19 , trong khi chi phí năng lượng tăng cao đang gây ra những quan ngại về lạm phát. Chốt phiên giao dịch ngày 5/11, giá dầu Brent tiến 2,20 USD lên 82,74 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng tăng 2,46 USD lên mức 81,27 USD/thùng.
Kết thúc cuộc họp hôm 4/11, OPEC và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, được gọi là nhóm OPEC+, đã phớt lờ lời kêu gọi của Mỹ, tuyên bố chỉ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch được nhất trí hồi tháng 7/2021 bất chấp nhu cầu tiêu thụ tăng vọt.
Tại cuộc họp chính sách của OPEC+, các nước thành viên cho thấy quan điểm thống nhất trước Mỹ. Bộ trưởng năng lượng các nước thành viên đều ủng hộ quyết định tăng nhẹ sản lượng. Bên cạnh đó, OPEC+ cho rằng thách thức kinh tế mà các nước tiêu thụ nhiều năng lượng đang gặp phải là do giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng chóng mặt, chứ không liên quan gì đến chính sách sản lượng của nhóm.
Phản ứng với quyết định của OPEC+, Nhà Trắng cho biết sẽ cân nhắc sử dụng tất cả các công cụ để đảm bảo giá năng lượng hợp lý, bao gồm khả năng giải phóng kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR).
Tờ Financial Times hôm 6/10 dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói rằng chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét sử dụng SPR, cùng với việc ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu thô. Mỹ thỉnh thoảng sử dụng dự trữ dầu chiến lược, thường sau các cơn bão hoặc xuất hiện sự cố gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, kể từ khi chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kéo dài 40 năm vào năm 2015, quốc gia này đã trở thành một nhà xuất khẩu dầu quan trọng và đã không tiếp tục cắt giảm xuất khẩu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi nhóm này tăng sản lượng nhiều hơn để hạ nhiệt đà leo dốc của giá dầu. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng Nga và Ả Rập Saudi là nguồn cơn gây căng thẳng cung cầu dầu mỏ, đẩy giá xăng tại thị trường Mỹ tăng 60% trong vòng 12 tháng qua.
“Quyết định không tăng mạnh nguồn cung của OPEC+ đã khiến giá dầu leo dốc kỷ lục. Chỉ có một nỗ lực phối hợp, với sự tham gia của Trung Quốc và các quốc gia khác, mới giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường”, Bob Yawger - Giám đốc quản lý các hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận định./.