Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ tuyên bố kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở Iraq

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - AP dẫn lời quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi hôm nay (26/7) dự kiến ​​sẽ thông báo về thỏa thuận kết thúc sứ mệnh chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq vào cuối năm nay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bước xuống từ Không lực Một, ngày 25/7. Ảnh: AP 
Theo quan chức giấu tên, một thông cáo chung sẽ được đưa ra vào chiều 26/7 (giờ Mỹ), trong đó tuyên bố chuyển nhiệm vụ giúp Iraq đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS của quân đội Mỹ sang vai trò cố vấn và huấn luyện nghiêm ngặt vào cuối năm nay. Điều ngày đồng nghĩa với việc, quân đội Mỹ tại Iraq không còn vai trò chiến đấu.

Quan chức này cũng cho biết, lực lượng an ninh Iraq đang thực nghiệm trên chiến trường và đã chứng tỏ mình có khả năng tự bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, chính quyền Biden được cho vẫn tin rằng IS là một mối đe dọa đáng kể cho đến lúc này.

Theo AP, tổ chức khủng bố IS tỏ ra suy yếu trên chiến trường kể từ năm 2017, nhưng vẫn có thể thực hiện các cuộc tấn công gây thương vong cao. Tuần trước, nhóm này đã lên tiếng nhận trách nhiệm về một vụ đánh bom ven đường khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương tại một khu chợ sầm uất ở ngoại ô thủ đô Baghdad, Iraq.

Mỹ và Iraq hồi tháng 4 vừa qua đồng ý rằng việc Mỹ chuyển sang nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn đồng nghĩa với việc vai trò chiến đấu của Mỹ sẽ kết thúc, nhưng 2 bên chưa đưa ra thời hạn cụ thể quá trình chuyển đổi đó.

Tuyên bố chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ tại Iraq được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang trong giai đoạn cuối cùng kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan, gần 20 năm sau khi cựu Tổng thống George W. Bush phát động cuộc chiến nhằm đáp trả vụ tấn công ngày 11/9/2001 vào trung tâm nước Mỹ.

Sứ mệnh huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng Iraq của Mỹ bắt nguồn từ việc cựu Tổng thống Barack Obama quyết định gửi quân trở lại Iraq vào năm 2014. Động thái này được thực hiện nhằm truy quét lựu lượng IS lúc bấy giờ tiếp quản phần lớn miền Tây và miền Bắc Iraq, cũng như sự sụp đổ của các lực lượng an ninh Iraq đang đe dọa Baghdad.

Quân đội Mỹ hiện diện tại Iraq ở mức khoảng 2.500 người kể từ cuối năm ngoái, khi cựu Tổng thống Donald Trump ra lệnh cắt giảm 3.000 người.

Các quan chức Lầu Năm Góc trong nhiều năm qua cũng đã cố gắng cân bằng giữa những gì họ coi là "sự hiện diện quân sự cần thiết" để hỗ trợ cuộc chiến chống IS của chính phủ Iraq, với sự nhạy cảm chính trị nội bộ Iraq với sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Vấn đề phức tạp đối với cả 2 bên là các cuộc tấn công định kỳ vào các căn cứ có quân đội Mỹ và liên quân do các nhóm dân quân Iraq được cho có liên kết với Iran.

Quân đội Mỹ tại Iraq cũng tỏ ra dễ bị tổn thương, thể hiện rõ ràng nhất trong sự kiện vào tháng 1/2020 khi Iran tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân al-Asad ở miền Tây Iraq. Không có người Mỹ nào thiệt mạng, nhưng hàng chục người bị chấn thương sọ não do các vụ nổ.

Cuộc tấn công này xảy ra ngay sau khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ giết chết chỉ huy quân sự Iran Qassim Soleimani và chỉ huy cấp cao của lực lượng dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis tại sân bay quốc tế Baghdad.

Tuy nhiên theo AP, khác biệt giữa quân chiến đấu và những người tham gia huấn luyện, cố vấn có thể không rõ ràng, vì quân đội Mỹ vẫn có thể phản ứng trước các đe dọa tấn công. Các lực lượng mặt đất của Mỹ hầu như không tham gia tấn công ở Iraq trong nhiều năm qua, ngoài một số nhiệm vụ đặc biệt nhằm vào các tay súng của IS.