Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đến đầu giờ sáng 24/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2022 đứng ở mức 78,21 USD/thùng, giảm 0,29 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 23/11, giá dầu WTI giao tháng 1/2022 đã tăng tới 1,77 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 1/2022 đứng ở mức 81,81 USD/thùng, giảm 0,50 USD/thùng nhưng đã tăng tới 2,31 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 23/11.
Phân tích của các chuyên gia, sau khi bật tăng mạnh vào cuối phiên 23/11, giá dầu ngày 24/11 có xu hướng giảm trước thông tin Mỹ, Ấn Độ thông báo xả mạnh kho dự trữ dầu thô.
Tổng thống Joe Biden ngày 23/11 đã thông báo nước này sẽ xuất 50 triệu thùng từ các kho dự trữ, như một phần nỗ lực chung cùng các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Theo thông báo được phát đi, trong 50 triệu thùng dầu này sẽ có 32 triệu thùng được trao đổi trong vài tháng tới, và 18 triệu thùng là phần mở rộng các giao dịch được uỷ quyền trước đó.
Tại thông báo trên, Nhà Trắng cũng cho biết có thể đưa ra thêm các hành động tiếp theo nếu cần thiết.
Tiếp đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Ấn Độ cũng quyết định sẽ giải phóng khoảng 5 triệu thùng trên tổng số 38 triệu thùng dầu thô được dự trữ tại các kho ngầm của nước này trong 7 – 10 ngày tới.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu hôm nay là khá khiêm tốn so với mức tăng trong 2 phiên giao dịch, bởi lo ngại OPEC+ sẽ có những động thái đáp trả với các quyết định xả kho dự trữ dầu thô. Các kho dự trữ dầu là giới hạn và nó chỉ có thể giải quyết bài toán cung – cầu trên thị trường trong ngắn hạn, còn về lâu dài đó là câu chuyện về sản lượng, là nguồn cung từ các nhà khai thác, mà ở đây, OPEC+ vẫn đang là nhà cung cấp lớn nhất của thị trường.
Ngoài ra, lượng dầu được giải phóng sẽ chủ yếu cung cấp cho nhu cầu trong nước và rất hạn chế được chuyển ra bên ngoài, vậy nên, động thái này không có nhiều ý nghĩa đối với tình trạng thiếu năng lượng đang xảy ra tại nhiều quốc gia như hiện nay.