Tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Na Uy - Việt Nam
Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Na Uy - Việt Nam (1971 - 2021), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng Bộ Công thương & Thủy sản Na Uy ký kết Ý định thư về Tăng cường và Phát triển Hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển.
Với văn bản này, Na Uy một lần nữa khẳng định sự giúp đỡ chặt chẽ, hiệu quả cho ngành nuôi trồng thủy sản biển quy mô công nghiệp của Việt Nam.
Lễ ký kết diễn ra chiều 21/5 tại Hà Nội có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen, và Quốc vụ Khanh Trini Danialsen.
Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Ý định thư giúp thúc đẩy hợp tác song phương về ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản biển nói riêng. Trên cơ sở bản Ý định thư, các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường chia sẻ và hỗ trợ về thực thi pháp luật và đổi mới công nghệ; Tăng cường năng lực và hợp tác nghiên cứu; Thúc đẩy thương mại, hợp tác đầu tư của khu vực tư nhân; Khuyến khích trao đổi các đoàn doanh nghiệp và tham gia các hội chợ/triển lãm về phát triển nuôi trồng thủy sản.
Quốc vụ Khanh Trini Danialsen tin tưởng rằng đây là một bước tiếp theo để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Na Uy – Việt Nam trong lĩnh vực này, bởi Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững ngành nuôi biển quy mô công nghiệp, nhưng đòi hỏi tư duy công nghệ và các giải pháp xanh.
Giải pháp cho phát triển bền vững
Chiều cùng ngày đã diễn ra Diễn đàn trực tuyến về chủ đề phát triển ngành nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam.
Sự kiện là nơi để các bên trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp nuôi biển, trong đó có quy hoạch và xây dựng chính sách, bao gồm cả chính sách tín dụng, quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề, các giải pháp công nghệ xanh và thông minh để giúp doanh nghiệp đầu tư và đóng góp vào sự phát triển của ngành theo hướng hiệu quả, bền vững và bảo vệ nguồn lợi biển.
Tại sự kiện, các diễn giả đã trình bày về mô hình hợp tác ba bên gồm nhà nước, ngành công nghiệp và các đơn vị nghiên cứu của Na Uy. Trong bối cảnh Covid-19, sự kiện này là cơ hội tốt để các công ty Na Uy và Việt Nam duy trì quan hệ, tìm hiểu thêm về nhau và chuẩn bị lên kế hoạch hợp tác trong tương lai.
Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Grete Lochen nói 2021 là một năm đặc biệt đối với Na Uy và Việt Nam. Hai nước đều rất tự hào về quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản suốt thời gian qua: “Chúng ta đang cùng nhau tìm hiểu cách thức để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư vào ngành nuôi biển ở Việt Nam. Nói đến phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp, Na Uy có nhiều điều để chia sẻ dựa trên những bài học của chúng tôi với ngành công nghiệp cá hồi nổi tiếng”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ: “Trong 4 thập kỷ qua, Na Uy đã hỗ trợ kỹ thuật rất đáng kể cho ngành thủy sản của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước đã mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế hai nước cũng như góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến xây dựng chính sách và kế hoạch nhằm phát triển kinh tế biển nói chung và nuôi biển nói riêng.
Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam theo hướng hiện đại, cạnh tranh hơn, có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời gắn kết các bên liên quan với nhau để khai thác tiềm năng và sử dụng các nguồn lợi đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững.
“Để thực hiện được mục tiêu trên, nuôi biển quy mô công nghiệp là một giải pháp. Vì vậy, những bài học thực tế như áp dụng công nghệ cao, đầu tư nuôi biển của doanh nghiệp Na Uy sẽ rất hữu ích cho việc phát triển bền vững nuôi biển quy mô công nghiệp của Việt Nam”, Tiến sĩ Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói.
Cũng tại diễn đàn, Tham tán thương mại Na Uy, Giám đốc Innovation Norway Arne-Kjetil Lian khẳng định: “Là Thương vụ của Sứ quán Na Uy tại Việt Nam, cơ quan Innovation Norway sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy việc kết nối và hợp tác của doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này. Tăng cường hơn nữa đầu tư và thương mại song phương là vì lợi ích tốt nhất của cả hai nước chúng ta”.
Để phát triển thành công ngành nuổi biển quy mô công nghiệp, nguồn nhân lực cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Đảm bảo có được một đội ngũ công nhân có chất lượng, biết làm chủ công nghệ 4.0 và máy móc kỹ thuật đặc thù của ngành và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp là mục tiêu mà VCCI đang theo đuổi trong một chương trình Đào tạo nguồn nhân lực đầu tiên cho ngành nuôi biển công nghiệp phối hợp với Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) trong 2 năm qua.
“Chúng tôi đã hoàn thành Bộ tiêu chuẩn nghề cho một số vị trị việc làm chủ chốt, hiện đang tiến hành xây dựng một chương trình đào tạo nghề cụ thể'', ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI thành phố Hồ Chí Minh cho biết.