Ngày 6/1, Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố bản báo cáo kinh tế vĩ mô với tiêu đề "Khởi đầu thuận lợi: Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi", trong đó nhấn mạnh trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tươi sáng hơn.
Theo phân tích của HSBC, nếu nhìn thoáng qua, năm 2015 có thể được đánh giá sẽ là một năm khó khăn. Việt Nam là quốc gia chú trọng xuất khẩu trong khi nhu cầu toàn cầu lại đang chậm lại. Giá dầu giảm cũng làm hạn chế nguồn thu ngân sách quan trọng và thu nhập xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhu cầu trong nước mặc dù đã có sự cải thiện một cách chậm chạp, vẫn bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ xấu cao của ngành ngân hàng và sự bảo thủ của lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn thì kinh tế sẽ đạt mức tăng mạnh trong năm 2015.
Cùng với nhu cầu nước ngoài với hàng hóa Việt Nam ngày càng tăng, nhu cầu trong nước cũng trong quá trình dần phục hồi trong năm 2015 - 2016 khi sự chuyển dịch thu nhập và dân số sẽ tạo thuận lợi cho tiêu dùng và đầu tư. "GDP của Việt Nam trong năm 2015 sẽ tăng 6,1% so với mức 6% trong năm 2014".
Trong năm 2014, nền kinh tế đã thu hút 12,4 tỷ USD của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân và 20,2 tỷ USD của nguồn vốn đăng ký FDI. Hầu hết các hoạt động đầu tư đều đổ vào ngành sản xuất giúp chuyển đổi cấu trúc ngành xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2006, dầu thô chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi điện thoại chỉ là 0%.
Đến năm 2014, các lô hàng dầu thô đã giảm chỉ còn 4,8% trong khi điện thoại di động đã tăng lên 16,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. HSBC hy vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng 12% trong năm 2015.
Nhìn lại năm 2014, báo cáo phân tích, kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2014 với một số thành tựu như tăng trưởng GDP vượt mục tiêu và cao nhất 3 năm, lạm phát thấp, cán cân thương mại thặng dư, sản xuất công nghiệp tăng trưởng...
Sang năm 2015, nhà điều hành đánh giá kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi, song vẫn còn nhiều thách thức khi kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quốc gia vốn có độ mở lớn, chú trọng xuất khẩu như Việt Nam.
Ảnh minh họa.
|